"Rạng ngời đôi mắt Việt Nam": Thiết thực và nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình “Rạng ngời đôi mắt Việt Nam” do Binh đoàn 15 phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 thực hiện đã mang lại niềm vui cho các trường hợp bị đục thủy tinh thể thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở vùng biên giới 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Hướng về người nghèo, đối tượng chính sách

Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Xuân An-Giám đốc Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) cho biết: Ngày 19-11, các bác sĩ chuyên khoa mắt của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 15 và Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) đã tổ chức khám sàng lọc cho gần 250 trường hợp. Kết quả, 55 trường hợp chỉ định phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco. Trong 2 ngày 26 và 27-11, tại TP. Pleiku, 55 bệnh nhân đã được phẫu thuật miễn phí. Trung bình 1 ca phẫu thuật chi phí khoảng 10 triệu đồng.

Chương trình “Rạng ngời đôi mắt Việt Nam” Binh đoàn 15 phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 thực hiện. Ảnh: Như Nguyện
Chương trình “Rạng ngời đôi mắt Việt Nam” Binh đoàn 15 phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 thực hiện. Ảnh: Như Nguyện



Ngoài đội ngũ bác sĩ chuyên khoa mắt hàng đầu, Bệnh viện Quân y 175 còn đảm bảo các trang-thiết bị hiện đại để khám sàng lọc và phẫu thuật cho bệnh nhân. Đại tá Nguyễn Việt Cường-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175-thông tin: Trong chương trình khám bệnh từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo tại Gia Lai dịp 27-7 vừa qua, đơn vị phát hiện nhiều người dân vùng sâu, vùng xa có bệnh lý về mắt và nhiều trường hợp bị đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân chưa có điều kiện thăm khám và điều trị kịp thời. Về lâu dài, các trường hợp bị đục thủy tinh thể gây giảm thị lực có thể gây mù lòa, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Hoạt động của đoàn công tác lần này nằm trong chương trình “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” của Bộ Quốc phòng. Theo đó, đơn vị đã phối hợp với Binh đoàn 15 tổ chức chương trình và có sự đồng hành của các đơn vị tài trợ. Để tạo thuận lợi cho người dân được khám-chữa bệnh tại chỗ, Bệnh viện Quân y 175 sắp xếp các bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm về Gia Lai để khám sàng lọc và tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, khuôn khổ chương trình có hạn, khó đáp ứng hết được mong muốn của bà con. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi kêu gọi đồng hành, phối hợp với Binh đoàn 15 nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung để tiếp tục triển khai những chương trình tương tự giúp người dân được chăm sóc sức khỏe về mắt tốt nhất”-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nói.

Mang niềm vui cho người nghèo

Là một trong những người được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí và nhận quà tặng, già làng Siu Bình Chung (làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) xúc động chia sẻ: “Nhiều năm nay, mắt phải của tôi bị mờ. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn, tôi vẫn chưa đi thăm khám được. Hôm nay, đoàn bác sĩ về khám và phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho tôi cũng như nhiều người nghèo ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Chương trình giúp những người dân nghèo, khó khăn như tôi tìm lại đôi mắt sáng”.

 Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện



Được Binh đoàn 15 cho xe đưa đón tận nơi để thực hiện phẫu thuật, bà Y Dôl (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vui mừng khôn xiết. Một bên mắt của bà từ lâu gần như không thấy nên rất bất tiện trong sinh hoạt. Vì nhà ở xa, kinh tế lại khó khăn nên bà chưa có điều kiện khám-chữa bệnh. “Nay có đoàn bác sĩ về khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí hoàn toàn, có xe đưa đón tận tình, tôi rất phấn khởi. Xin cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn Binh đoàn 15 và Ban tổ chức đã quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi được chữa bệnh”-bà Y Dôl bộc bạch.

Theo Đại tá Lưu Văn Đoàn-Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15, công tác an sinh xã hội được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục tại 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và các địa bàn đơn vị đứng chân. “Rạng ngời đôi mắt Việt Nam” là chương trình đậm tính nhân văn nhằm mang lại đôi mắt sáng cho người nghèo, khó khăn, đồng thời tri ân các thương-bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Chương trình góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 33 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12) và chào mừng đại hội Công đoàn các cấp trong Quân đội tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028”-Đại tá Đoàn nhấn mạnh.  

 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Thảo dược trị cảm cúm

Thảo dược trị cảm cúm

Trong y học cổ truyền, nhiều loại thảo dược có tính ấm, giúp kháng khuẩn, kháng vi rút, và tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị cảm cúm. Dưới đây là một số thảo dược phổ biến và cách sử dụng.

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

Gia Lai: Liên tiếp tử vong do bệnh dại, người dân lo ngại ổ dịch chó dại trong cộng đồng

(GLO)- Chỉ từ tháng 12-2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại. Số lượt người đến tiêm phòng vắc xin dại cũng tăng cao do người dân lo ngại ổ dịch chó dại đã và đang tồn tại trong cộng đồng, vì vậy, chủ động tiêm phòng vắc xin dại khi chẳng may bị chó mèo cào, cắn.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.