Quy hoạch công trình trên đất được cấp theo Chương trình 132: Người nghèo mòn mỏi chờ tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 20 năm sử dụng đất sản xuất được cấp theo Chương trình 132 của Chính phủ tại thôn 1 (xã Diên Phú, TP. Pleiku), hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các phường Yên Đỗ, Đống Đa, Thống Nhất vẫn chưa được phép chuyển nhượng hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo đó, các hộ mong muốn được chính quyền địa phương tháo gỡ những quy định đang gây ách tắc nhằm tạo điều kiện cho họ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo nhu cầu thực tế.

Mòn mỏi “sống treo”

Thực hiện Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 8-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên”, hơn 100 hộ dân các phường Yên Đỗ, Đống Đa, Thống Nhất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn 1, xã Diên Phú. Trên giấy chứng nhận có ghi rõ: “Không được mua bán, chuyển nhượng trong vòng 10 năm”. Nhưng sau thời gian này, dù người dân gõ cửa khắp nơi để làm thủ tục chuyển nhượng, tặng cho song vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết.

Ông Puih Míp (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ) cho biết: Năm 2004, gia đình ông được chính quyền TP. Pleiku cấp 1.500 m2 đất tại thôn 1 (xã Diên Phú) theo Chương trình 132 của Chính phủ. Từ đó đến nay, vợ chồng ông trồng bạch đàn rồi đến cây ăn quả và hoa màu. Do diện tích nhỏ nên thu nhập không đáng kể. Đầu năm 2019, vợ chồng ông chuyển về đây ở nhưng chính quyền địa phương không cho phép xây nhà kiên cố. Vì vậy, ông đành dựng căn nhà tạm.

Ông Míp bức xúc: “Nhà nước giao đất nhưng hết thời hạn 10 năm ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn không được chuyển nhượng, tặng cho hoặc xây nhà ở khiến người dân phải “sống treo” trong những căn nhà tạm bợ”.

Vợ chồng ông Puih Míp (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) dựng căn nhà tạm để sinh sống từ nhiều năm nay tại vị trí được cấp đất ở thôn 1, xã Diên Phú. Ảnh: M.P

Vợ chồng ông Puih Míp (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) dựng căn nhà tạm để sinh sống từ nhiều năm nay tại vị trí được cấp đất ở thôn 1, xã Diên Phú. Ảnh: M.P

Tương tự, ông Hlip (làng Pleiku Roh) cho biết: Gia đình ông được Nhà nước quan tâm cấp 1.500 m2 đất để trồng cà phê, bời lời. Tuy vậy, việc canh tác không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Chỉ tay sang khu vực đất bên cạnh, ông Hlip bảo: Đó là phần đất của một số hộ dân đã bỏ hoang từ nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm.

“Mong muốn của gia đình tôi cũng như một số hộ dân ở đây là được chính quyền tạo điều kiện cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở hoặc chuyển nhượng để tìm vị trí đất khác canh tác phù hợp hơn”-ông Hlip chia sẻ.

Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Diễm-Chủ tịch UBND xã Diên Phú-thông tin: Đến nay, chính quyền địa phương không nắm được danh sách các hộ được cấp đất theo Chương trình 132 của Chính phủ đã thực hiện cách đây hơn 20 năm.

Đáng chú ý, những hộ dân được Nhà nước giao đất không phải công dân cư trú trên địa bàn nên xã chỉ quản lý về việc sử dụng đất đúng mục đích đã cấp, giám sát việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hoặc sang nhượng không đúng quy định.

Ông Hlip (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho phép chuyển nhượng diện tích đất được hỗ trợ theo Chương trình 132 để tìm vị trí đất khác canh tác phù hợp hơn. Ảnh: M.P

Ông Hlip (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho phép chuyển nhượng diện tích đất được hỗ trợ theo Chương trình 132 để tìm vị trí đất khác canh tác phù hợp hơn. Ảnh: M.P

Chủ tịch UBND xã Diên Phú thông tin thêm: Thời gian gần đây, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại phường Yên Đỗ, Đống Đa, Thống Nhất đến xã nhờ xác nhận nội dung người dân không có nhu cầu sử dụng đất vì không còn khả năng lao động nên xin làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những trường hợp này đều không có hộ khẩu thường trú hoặc cư trú ở xã từ khi được cấp đất đến nay. Vì vậy, UBND xã không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận.

Cụ thể, ngày 17-7-2024, bà Ksor H’Hyang (làng Pleiku Roh) được UBND TP. Pleiku cấp 1.500 m2 đất nông nghiệp lâu năm tại thôn 1 (xã Diên Phú) theo Chương trình 132. Đến nay, bà muốn chuyển nhượng lô đất trên. “Bà Ksor H’Hyang không phải công dân của xã nên chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND phường Yên Đỗ phối hợp xác minh việc bà không còn nhu cầu sử dụng lô đất nêu trên vì lý do đã lớn tuổi, không đủ khả năng làm rẫy và đã chuyển sang làm nghề khác.

Thêm vào đó là làm rõ thông tin bà H’Hyang bắt đầu sinh sống và thường trú tại làng Pleiku Roh từ thời gian nào, như vậy, xã mới có cơ sở xác nhận cho công dân theo nguyện vọng nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật”-Chủ tịch UBND xã Diên Phú cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nga-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Pleiku thì nhấn mạnh: Điều 40 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: Hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nếu được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động.

“Luật cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất nhưng việc hộ dân cư trú một nơi, đất được cấp một nẻo thì cần có sự phối hợp của chính quyền xã nơi công dân có đất và nơi cư trú. Địa phương nơi có đất không có thông tin của công dân thì yêu cầu chính quyền xã nơi họ cư trú xác nhận các điều kiện theo quy định để phối hợp giải quyết”-ông Nga nêu giải pháp.

Gỡ chỗ này lại vướng chỗ khác

Người dân chưa kịp vui mừng vì những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm nay đã có hướng tháo gỡ thì lại tiếp tục bị ách tắc vì các diện tích đất này đang nằm trong quy hoạch. Cụ thể, chưa đầy 4 năm sau khi giải quyết đất sản xuất cho người dân thì ngày 14-11-2008, UBND tỉnh lại ban hành Quyết định số 265/QĐ-UBND về việc thu hồi tổng thể hơn 59,5 ha đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Diên Phú, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai để xây dựng trường học.

Theo bản đồ hiện trạng, khu vực này có 123 thửa đất của dân và 1 tổ chức. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đã bàn giao gần 7 ha cho Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, còn lại hơn 52,5 ha chưa giao. Cụ thể, trong số diện tích chưa bàn giao có hơn 27,1 ha đất vườn cây cao su do Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh quản lý và hơn 25,4 ha (bao gồm đất trồng cây lâu năm, đất lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất chưa sử dụng và đất giao thông) do địa phương quản lý, đất người dân đang canh tác.

Người dân mong muốn hết thời hạn 10 năm ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải cho phép họ được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở hoặc chuyển nhượng, tặng cho con. Ảnh: M.P

Người dân mong muốn hết thời hạn 10 năm ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải cho phép họ được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở hoặc chuyển nhượng, tặng cho con. Ảnh: M.P

Theo Quyết định số 265/QĐ-UBND, UBND tỉnh giao UBND TP. Pleiku có trách nhiệm thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đất thu hồi tổng thể nói trên để làm cơ sở bồi thường; Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh bố trí kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, sau gần 16 năm, đơn vị này chưa bố trí kinh phí nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không thực hiện được.

Do vậy, phần đất đã cấp năm 2004 theo Chương trình 132 của Chính phủ thì đến nay, UBND TP. Pleiku vẫn chưa ban hành quyết định thu hồi nên người dân giữ quyền sử dụng đất.

Tháng 7-2006, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu 500 ha xã Diên Phú. Đến năm 2008, khi quyết định thu hồi tổng thể hơn 59,5 ha thì UBND tỉnh cũng xác định vị trí này là quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Diên Phú dẫn đến sự chồng lấn lên đất đã giải quyết cho dân.

Trước thực trạng này, đầu năm 2024, UBND TP. Pleiku đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở TN-MT về việc xem xét, điều chỉnh Quyết định số 265/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, UBND TP. Pleiku đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT xem xét, điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi từ hơn 59,5 ha xuống còn 7 ha.

Nguyên nhân một phần là do khu vực này các hộ dân có đất nhưng không được mua bán, chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất nên họ có đơn kiến nghị tháo gỡ quy hoạch để hoán đổi đất đã được cấp tại thôn 1 (xã Diên Phú) liên quan khu đất quy hoạch giao cho Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai xây dựng trường học.

Trước kiến nghị của UBND TP. Pleiku, ngày 4-4-2024, Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức họp để giải quyết nội dung này. Theo Giám đốc Sở TN-MT Phạm Minh Trung: Để có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giảm diện tích đất giao xây dựng Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai đúng quy định, Sở TN-MT đã có công văn đề nghị Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cung cấp quyết định phê duyệt Đề án thành lập Phân hiệu tại Gia Lai (kèm thuyết minh).

Cùng với đó, UBND TP. Pleiku tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Nếu vị trí, diện tích đất UBND tỉnh thu hồi tổng thể và giao nêu trên được định hướng là đất giáo dục thì xem xét điều kiện, cơ sở pháp lý, đảm bảo về thời gian thực hiện dự án đầu tư giai đoạn tiếp theo để có phương án cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố đúng quy định; chỉ cập nhật kế hoạch sử dụng đất hàng năm khi đủ điều kiện của pháp luật đất đai.

Sau khi có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND TP. Pleiku chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với nhà trường rà soát, xác định phạm vi ranh giới để lập hồ sơ và cung cấp sơ đồ hiện trạng vị trí, diện tích đất đề nghị điều chỉnh gửi Sở TN-MT nhằm tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quyết.

“Để làm được điều này, UBND TP. Pleiku xin chủ trương tỉnh dừng một phần dự án này và sau khi UBND tỉnh thống nhất thì sẽ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh diện tích đất quy hoạch giảm từ gần 60 ha xuống còn 7 ha, phần đất còn lại tiếp tục giao TP. Pleiku quản lý, sử dụng”-Giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Những cán bộ Công an xã hết lòng vì dân

Những cán bộ Công an xã hết lòng vì dân

(GLO)- Với tinh thần tận tụy, gần gũi và gắn bó mật thiết với cộng đồng, nhiều cán bộ Công an xã tại Gia Lai đã nhận được sự tin tưởng và quý mến từ người dân, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng Nhân dân.

Khen thưởng 14 tập thể, cá nhân có thành tích trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024

Gia Lai: Khen thưởng 14 tập thể, cá nhân trong giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024

(GLO)- Sáng 27-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 47-KH/TU, ngày 21-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.

Giáng sinh ấm áp, an lành

Giáng sinh ấm áp, an lành

(GLO) - Được sự quan tâm các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và ban ngành tỉnh Gia Lai, các giáo xứ và nhà thờ Công giáo, chi hội Tin lành đã diễn ra mùa Giáng sinh năm 2024 thật sự ấm áp, trang trọng và an lành. 

Bình yên trên cánh đồng Ia Chanh

Bình yên trên cánh đồng Ia Chanh

(GLO)- Nằm trong lòng thành phố, cánh đồng Ia Chanh (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku) không chỉ là nơi để người dân Jrai nơi đây đảm bảo được an ninh lương thực mà còn giàu tiềm năng phát triển du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên hữu tình.