Phú Thiện gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) vẫn gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân, nhất là trong việc cấp GCNQSDĐ đã được đo đạc tập trung.

Không đủ điều kiện để làm thủ tục rút GCNQSDĐ

Chỉ tay về phía mảnh đất được bố mẹ để lại, anh Nguyễn Văn Sáng (thôn Ia Rut, xã Ia Sol) cho biết: Mảnh đất này có diện tích 400 m2 được bố mẹ anh mua lại của một hộ dân cùng thôn để xây dựng nhà ở từ năm 1994. Năm 1999, Nhà nước tiến hành đo đạc tập trung.

Vì có nhu cầu thế chấp để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, năm 2010, bố mẹ anh đã đến các cơ quan chuyên môn thuộc huyện để làm thủ tục rút GCNQSDĐ. Tuy nhiên, vì số tiền thuế sử dụng đất phải nộp khá cao, trong khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không đủ điều kiện thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Sáng (thôn Ia Rut, xã Ia Sol) bên diện tích đất và nhà được bố mẹ để lại nhưng gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: H.T

Anh Nguyễn Văn Sáng (thôn Ia Rut, xã Ia Sol) bên diện tích đất và nhà được bố mẹ để lại nhưng gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: H.T

“Bố mẹ tôi đều đã qua đời. Vợ chồng tôi cũng muốn làm thủ tục rút GCNQSDĐ cho thửa đất để đảm bảo tính pháp lý; đồng thời, vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá đất đã tăng, mảnh đất của gia đình tôi lại nằm ngay mặt quốc lộ 25 nên tiền sử dụng đất phải đóng rất cao. Mặc dù đã được giảm 50% phí tiền sử dụng đất nhưng với số tiền phải nộp là 140 triệu đồng thì gia đình tôi không có điều kiện để thực hiện thủ tục rút GCNQSDĐ”-anh Sáng chia sẻ.

Ông Vũ Văn Lâm (cùng thôn) cho hay: Gia đình ông có 750 m2 đất được mua từ năm 1999 bằng hình thức viết tay có xác nhận của UBND xã. Năm 2017, ông đến các cơ quan chuyên môn của huyện để làm thủ tục rút GCNQSDĐ cho thửa đất nhưng vì số tiền sử dụng đất phải đóng quá cao nên không thực hiện được.

“Trong tổng số 750 m2 đất, có tới 400 m2 đất ở. Qua giải thích của cán bộ chuyên môn, tiền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp phải đóng không nhiều nhưng với đất ở lại rất cao, hơn 700 ngàn đồng/m2. Sau khi được giảm 50% mức tiền phải đóng, gia đình còn nộp hơn 140 triệu đồng tiền sử dụng đất. Gia đình chỉ có 5 sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn.

Mấy năm nay, vợ tôi bị thoái hóa cột sống phải thường xuyên điều trị tại bệnh viện, số tiền vay mượn đã hơn 400 triệu đồng. Tôi mong các cấp, ngành có giải pháp giảm tiền sử dụng đất để có điều kiện làm thủ tục rút GCNQSDĐ”-ông Lâm bày tỏ.

Ông Vũ Văn Lâm rầu rĩ vì không có điều kiện rút GCNQSDĐ để vay vốn. Ảnh: H.T

Ông Vũ Văn Lâm rầu rĩ vì không có điều kiện rút GCNQSDĐ để vay vốn. Ảnh: H.T

Theo ông Phạm Tiến Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol: Năm 1999, xã có 1.517 hộ được đo đạc, cấp GCNQSDĐ tập trung với tổng diện tích hơn 1.357 ha. Từ đó đến nay, xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và tạo mọi điều kiện để người dân đến làm thủ tục cấp GCNQSDĐ như: xác định nguồn gốc sử dụng đất, lấy ý kiến khu dân cư, giấy xác nhận hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại địa phương…

Tuy nhiên, toàn xã hiện vẫn còn tồn đọng 564 GCNQSDĐ của người dân. Nguyên nhân là do một số hộ không có nhu cầu nhận GCNQSDĐ; một số hộ có nhu cầu thì giá tiền sử dụng đất phải đóng khá cao nên không đủ điều kiện để làm thủ tục.

“Theo quy định, cứ 5 năm, Nhà nước điều chỉnh giá đất 1 lần. Mặc dù đã được giảm 50% số tiền sử dụng đất nhưng nhiều hộ vẫn không có điều kiện để thực hiện thủ tục rút GCNQSDĐ, nhất là đối với diện tích đất ở.

Bên cạnh đó, đối với những hộ không quan tâm đến việc rút giấy thì đa phần do không có nhu cầu chuyển nhượng hay vay vốn; một số khác thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhưng theo quy định, hạn mức cấp GCNQSDĐ chỉ cho phép không quá 2 ha dẫn đến việc phải làm thủ tục thuê lại diện tích đất dư nên nhiều hộ ngại làm thủ tục rút GCNQSDĐ”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol giải thích.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân

Hiện nay, xã Ia Ake vẫn còn tồn đọng 2.272 GCNQSDĐ được đo đạc tập trung từ năm 1999 và 2008 nhưng chưa trao cho người dân. Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Khiêm thông tin: Nguyên nhân của việc tồn đọng GCNQSDĐ là do một số hộ chưa nhận thức được tầm quan trọng về tính pháp lý của thửa đất nên không đến làm thủ tục rút GCNQSDĐ; một số hộ sử dụng đất nông nghiệp đã chuyển nhượng bằng hình thức viết tay và chuyển đi nơi khác sinh sống.

Bên cạnh đó, việc làm thủ tục rút GCNQSDĐ mất khá nhiều khoản phí, trong khi hầu hết các hộ đều được đo đạc diện tích đất ở với mức tối đa là 400 m2 nên phí đóng tiền sử dụng đất cao khiến nhiều hộ không thực hiện được. Do đó, các cấp, ngành cần có giải pháp điều chỉnh diện tích đất ở cho người dân để tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục rút GCNQSDĐ.

Ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện: Tính đến ngày 19-2-2024, huyện vẫn còn tồn đọng 6.630 GCNQSDĐ được đo đạc, cấp tập trung chưa trao cho người dân. Nguyên nhân là do nhiều hộ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Bên cạnh đó, một số gia đình, cá nhân đã được cấp GCNQSDĐ (chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính) đã chuyển đi nơi khác sinh sống và đã chuyển nhượng cho người khác sử dụng; một số GCNQSDĐ được cấp từ lâu (năm 2002, 2008) không đúng về diện tích, thời hạn sử dụng đất, đối tượng giao đất. Một số hộ chưa có nhu cầu nhận GCNQSDĐ đã cấp. Ngoài ra, những quy định liên quan đến hạn mức đất nông nghiệp gây hạn chế diện tích nhu cầu đăng ký cấp GCNQSDĐ của người dân dẫn đến nhiều hộ không mặn mà với việc làm thủ tục rút GCNQSDĐ.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện-cho biết: Qua các đợt triển khai dự án đo đạc tập trung, tổng diện tích đất cần cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện là 26.565,02 ha. Nhằm đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ cho người dân, UBND huyện đã thành lập tổ công tác để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký đất đai lần đầu, đăng ký cấp GCNQSDĐ và thực hiện nghĩa vụ tài chính để rút GCNQSDĐ đã cấp đến từng xã, thị trấn.

Ngày 30-9-2016, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về việc triển khai đăng ký cấp mới, cấp lại và rút GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất đã cấp tập trung còn tồn đọng. Với những giải pháp trên, đến ngày 20-5-2024, huyện đã cấp được 73.010 GCNQSDĐ với tổng diện tích 24.344,05 ha, đạt 91,63%.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, để khắc phục khó khăn trong công tác cấp GCNQSDĐ, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký cấp GCNQSDĐ và bố trí kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính các khu vực chưa được đo đạc.

Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND về việc đăng ký cấp mới, cấp lại và rút GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất đã cấp tập trung còn tồn đọng.

Theo đó, đối với các trường hợp GCNQSDĐ đã cấp không đúng diện tích, thời hạn sử dụng đất và đối tượng giao đất, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra và đo đạc lại để cấp lại theo quy định khi có nhu cầu của công dân.

Đối với những trường hợp không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, huyện đề nghị cấp trên xem xét, hướng dẫn, điều chỉnh giảm diện tích đất ở trong GCNQSDĐ đã cấp theo nhu cầu thực tế của người dân.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.