Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện mục tiêu cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu vào năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan… Tuy nhiên, trong công tác cấp GCNQSDĐ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Gia Lai có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.553.693 ha. Trong đó, hơn 1.343.855 ha đất nông nghiệp (chiếm 86,5%), đất phi nông nghiệp 116.050 ha (chiếm 7,5%), đất chưa sử dụng hơn 93.786 ha (6%). Diện tích đất cần cấp GCNQSDĐ hơn 986.122 ha (chiếm 63,47%). Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31-12-2013, đã có 13/17 huyện, thị xã, thành phố cấp GCNQSDĐ đạt trên 85% về diện tích các loại đất so với nhu cầu cần cấp. Theo đó, toàn tỉnh đã cấp được 546.822 GCNQSDĐ với diện tích hơn 904.476 ha (đạt 91% diện tích cần cấp).

 

Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.Ảnh: L.N
Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: L.N

Việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) đối với cấp tỉnh đã được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 4-5-2013. Đến nay đã có 4/17 huyện, thị xã, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Kbang, Chư Pưh, Ia Pa và TP. Pleiku; cấp xã có 218/222 xã, phường đã triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (còn 4 phường của thị xã Ayun Pa chưa triển khai); tổng diện tích cho thuê đất hơn 2.024 ha với 216 hồ sơ; tổng kinh phí thực hiện và sử dụng cho cấp GCNQSDĐ trong giai đoạn 2008-2013 là 197,236 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất, cho thuê đất giai đoạn 2010-2013 là 1.205,328 tỷ đồng…

Mặc dù tiến độ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt 91% so với tổng diện tích đất cần cấp. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấp GCNQSDĐ phải đạt 85% trở lên cho từng loại đất chính. Trong khi đó tỷ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay còn đạt thấp so với yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, tỷ lệ cấp GCNQSDĐ đối với nhóm đất phi nông nghiệp đạt 56,3%; cấp cho các tổ chức 77%; đối với gia đình, cá nhân và đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp chỉ đạt 6,5%.

Sở dĩ tỷ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh còn thấp so với yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường do trong quá trình triển khai cấp GCNQSDĐ tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều địa phương có tình trạng GCNQSDĐ đã cấp nhưng người dân không đến nhận (khoảng 25.000 giấy chứng nhận). Hệ thống hồ sơ địa chính chưa được hoàn thiện. Diện tích được đo đạc lập hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐ thấp, cấp GCNQSDĐ chồng, lấn còn xảy ra. Quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chưa đầy đủ, cụ thể.

Việc truy thu thuế đất nông nghiệp của những năm trước làm cho người sử dụng đất không đủ khả năng thực hiện để làm GCNQSDĐ. Việc xác định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ về đất, xác định nghĩa vụ tài chính đối với đất ở vượt hạn mức còn khó khăn; ghi nợ về tài chính khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, chuyển mục đích sử dụng đất ở các địa phương chưa thuận lợi; công tác xác định giá đất, đơn giá thuê đất biến động ảnh hưởng tới xác định nghĩa vụ tài chính…

Ngoài ra, ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp của người dân chưa được xác định rõ ràng, bóc tách cụ thể. Mặc dù hiện trạng đất người dân đã sản xuất ổn định lâu đời trên những diện tích đất lâm nghiệp nhưng không thể tiến hành đăng ký cấp GCNQSDĐ do vướng quy hoạch phân 3 loại rừng (Quyết định 53/2008/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh). Ngoài ra, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc chuyển nhượng đất đai không đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định của pháp luật (chủ yếu giấy viết tay), trong khi đó có nhiều trường hợp người bán đất không còn sinh sống tại địa phương dẫn đến xác định chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn. Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số là sống tập trung thành làng, không có ranh giới thửa đất rõ ràng nên khó khăn trong việc xác định diện tích, kê khai đất để cấp GCNQSDĐ. Cùng với đó là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép để xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh từ đất nông nghiệp, khai phá trái phép đất lâm nghiệp, để sản xuất nông nghiệp… cũng là điểm khó trong việc cấp GCNQSDĐ.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, lãnh đạo các địa phương đã kiến nghị ngành chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung quy phạm thành lập bản đồ địa chính phù hợp với thực tế; tăng cường nhân lực và trang-thiết bị của hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; có hướng dẫn cụ thể xử lý các trường hợp cho tặng, chuển nhượng không thực hiện thủ tục trước ngày 1-7-2004; bổ sung quy định về thuế đất nông nghiệp theo hướng miễn toàn bộ thuế đất cho các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp và thuế chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; đánh giá hiện trạng đất thật cụ thể, lập quy hoạch, cắm mốc khu vực cần bảo vệ và phát triển rừng; điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng…

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.