(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn quản lý nhà nước gắn với định hướng phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2025 cho các tỉnh Tây Nguyên-Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại TP. Pleiku và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh Tây Nguyên-Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị, về phía tỉnh Gia Lai có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kpă Thuyên, Nguyễn Thị Thanh Lịch. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành liên quan, một số tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với các đại biểu chuyên đề “Tầm nhìn, chiến lược, chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và PTNT theo hướng “Hợp tác-Liên kết-Thị trường”. Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và và phát huy các giá trị văn hóa vùng miền.
Thay vì phát triển theo số lượng, tăng sản lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân cần quan tâm đến các biện pháp canh tác bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu. Mặt khác, người nông dân cũng cần thay đổi thói quen sản xuất để làm sao giảm giá thành sản xuất, tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã với bà con nông dân, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhằm tránh bị động, phụ thuộc khi có những biến động về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giữa các quốc gia. Nông dân chuyên nghiệp phải là người biết sản xuất theo thị trường, tính toán chi phí, cập nhật tri thức, suy nghĩ cho cộng đồng, hiểu rõ sức mạnh hợp tác…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với các đại biểu chuyên đề “Tầm nhìn, chiến lược, chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và PTNT theo hướng “Hợp tác-Liên kết-Thị trường”. Ảnh: Lê Nam |
Từ định hướng phát triển chung, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những liên hệ cụ thể về tình hình sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên. Theo Bộ trưởng, các địa phương đã biết khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng miền, không chỉ có cà phê, hồ tiêu mà còn phát triển mạnh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, định hướng phát triển này giữa các địa phương lại có những nét tương đồng với nhau. Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề quan trọng quyết định sự thành công là mỗi địa phương phải biết tìm cho mình hướng đi riêng với những thương hiệu sản phẩm đặc trưng, trong đó phải bắt đầu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp như trước đây…
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với các đại biểu chuyên đề "Một số định hướng xây dựng nông thôn phát triển bền vững". Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện cả nước đã có 65,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã. Có 206 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; Có 13 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, sau 10 năm xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc. Cụ thể, xây dựng mới và nâng cấp được hơn 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%. Cùng với đó, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn từng bước được nâng cao.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với các đại biểu chuyên đề “Một số định hướng xây dựng nông thôn phát triển bền vững”. Ảnh: Lê Nam |
Cụ thể, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được triển khai hiệu quả đã góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề cũng đạt được kết quả khả quan. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn đã phát huy vai trò là hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng NTM (trên 2.150 mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự đang hoạt động). Cả nước có 5.267 sản phẩm của 62 tỉnh, thành phố được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; 2.923 chủ thể có sản phẩm OCOP.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Đồng thời, tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Có khoảng từ 15-19 đơn vị cấp tỉnh hoàn thành NTM. Có 60% số thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh quy định. Dự kiến, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.455.211 tỷ đồng. “Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên nguyên tắc tiếp tục giữ nguyên 19 tiêu chí xã NTM cấp xã (bổ sung một số chỉ tiêu, nâng tổng số lên 58 chỉ tiêu), tiếp tục triển khai theo 11 nội dung thành phần để đảm bảo tính kế thừa, thống nhất mà chương trình đã thực hiện hiệu quả trong hơn 10 năm qua. Nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Xây dựng NTM phải đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hướng đến “nông nghiệp sinh thái-nông thôn hiện đại-nông dân thông minh; bảo vệ môi trường và bảo tồn, cảnh quan xanh-sạch-đẹp; phát huy văn hóa truyền thống…”-Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cũng trình bày về vấn đề tái cơ cấu gắn với năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản; Tiến sĩ Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác trình bày về việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
LÊ NAM