Dự án Giảm tốc độ-Trường học an toàn giai đoạn 2 mở rộng: Hướng tới "mục tiêu kép"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Gia Lai phối hợp với Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) vừa phát động triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 2 mở rộng với chủ đề “Ngựa sắt yêu thương-Tương lai bừng sáng”. Mục tiêu của dự án là tiếp tục cải thiện sự an toàn cho hành trình đến trường và về nhà của học sinh, đồng thời hướng tới chiến lược xanh hóa lối sống.

“Ngựa sắt yêu thương”

Tại buổi phát động, cùng với việc trao tặng 85 chiếc xe đạp và mũ bảo hiểm cho các em học sinh nỗ lực vượt khó của 19 trường THCS tại TP. Pleiku, chiến dịch xe đạp “Ngựa sắt yêu thương-Tương lai bừng sáng” còn hướng đến mục tiêu khuyến khích học sinh và gia đình sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải trao xe đạp và mũ bảo hiểm cho học sinh. Ảnh: Minh Phương
Ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (bìa phải) trao xe đạp và mũ bảo hiểm cho học sinh. Ảnh: Minh Phương



Có tên trong danh sách nhận xe đạp và mũ bảo hiểm lần này, em Đặng Xuân Toàn (lớp 7/7, Trường THCS Trần Phú, phường Phù Đổng) rất mừng vì hành trình đến trường của em sẽ dễ dàng hơn. Toàn cho hay, dịch Covid-19 kéo dài khiến gia đình em bị ảnh hưởng nặng nề. Mẹ em phải vất vả bươn chải mưu sinh, không có thời gian đưa đón em đi học. Mỗi ngày, em phải đi bộ khoảng 20 phút để đến trường, khi trời mưa gió thì quãng đường như càng xa hơn. “Món quà ý nghĩa này sẽ là động lực tinh thần giúp em thêm kiên trì, cố gắng học tập thật tốt vì một tương lai tươi sáng hơn. Em hứa sẽ tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi đi xe đạp”-Toàn nói.

Theo Ban ATGT tỉnh, chiến dịch xe đạp “Ngựa sắt yêu thương-Tương lai bừng sáng” lần đầu phát động tại TP. Pleiku nhằm mục tiêu thu hút 18.135 học sinh của 19 trường THCS trên địa bàn sử dụng xe đạp như một phương tiện giao thông bền vững. Chiến dịch này sẽ bao gồm chuỗi hoạt động: đào tạo kỹ năng đạp xe an toàn, tổ chức tháng “Vui đạp xe đến trường”, thi đạp xe trực tuyến và sự kiện bế mạc với giải pháp đô thị chiến thuật nhằm mô phỏng cơ sở hạ tầng an toàn cho xe đạp.

Theo ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Từ tháng 5 đến hết tháng 12-2022, Ban ATGT tỉnh và AIP tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 2 mở rộng. Mục tiêu giai đoạn 2 mở rộng là tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho giáo viên sử dụng tài liệu điện tử ATGT trong hoạt động giảng dạy cho học sinh tiểu học; tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy phương thức tham gia giao thông tích cực thông qua chiến dịch đi xe đạp đến trường cho học sinh THCS tại TP. Pleiku. Chiến dịch xe đạp “Ngựa sắt yêu thương-Tương lai bừng sáng” là sự kiện mở đầu để triển khai các hoạt động của dự án, có ý nghĩa tích cực trong công tác bảo đảm ATGT và phấn đấu để Pleiku sớm trở thành “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

An toàn giao thông, bảo vệ môi trường

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm: Từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2020, Ban ATGT tỉnh và AIP đã phối hợp triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi) và Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ) nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông thông qua việc cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng; làm vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40 km/giờ vào khung giờ cao điểm), lắp đặt biển báo tốc độ mới.

Kết thúc giai đoạn 1, UBND tỉnh đã ban hành quy định chung về biển báo tốc độ tối đa qua khu vực trường học trên địa bàn TP. Pleiku, xác định tốc độ tối đa cụ thể qua khu vực trường học giờ cao điểm để người lái xe giảm tốc độ, xử lý các tình huống đảm bảo an toàn khi qua trường học. Đáng chú ý, giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ tháng 7-2020 đến tháng 3-2022 tại 29 trường tiểu học ở TP. Pleiku và Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh) nhằm nâng cao ý thức của học sinh và cộng đồng về ATGT, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho TP. Pleiku.

 Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các ban ngành, Ban Giám hiệu các Trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh được tặng xe đạp. Ảnh: Minh Phương
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các ban ngành, Ban Giám hiệu các Trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh được tặng xe đạp. Ảnh: Minh Phương
Ông Kim Beng Lua-cán bộ cấp cao của GRSP: “Chúng tôi hy vọng sức ảnh hưởng của các em sẽ lan tỏa đến gia đình và bạn bè trong việc khuyến khích sử dụng xe đạp nhằm hướng đến một môi trường an toàn và trong lành hơn cho thế hệ mai sau. Điều này đặc biệt phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nhất là về xanh hóa lối sống. Trên cơ sở này, GRSP và AIP đã đưa phương tiện giao thông bền vững và sự tham gia của thế hệ trẻ vào giai đoạn mở rộng này của dự án”.

Trước đây, vào giờ tan trường, khu vực cổng Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring) thường xảy ra tình trạng phụ huynh đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường. Thế nhưng, khi triển khai dự án, hạ tầng giao thông trước cổng trường đã được cải tạo bài bản, các biển báo giao thông được lắp đặt hợp lý. Thầy Mai Văn Ân-Phó Hiệu trưởng nhà trường-nhận định: Dự án mang lại lợi ích rất lớn đối với học sinh trong việc tham gia giao thông đúng quy định. Việc triển khai cổng trường an toàn đã giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, nhận thức của học sinh và phụ huynh cũng thay đổi rõ rệt, không những tránh gây ùn tắc giao thông cục bộ giờ cao điểm mà còn giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

“Tại các buổi chào cờ, chương trình ngoại khóa, trên website của trường hay trong chương trình phát thanh măng non, nhà trường lồng ghép các nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng kiến nghị Ban ATGT hỗ trợ về công nghệ thông tin để theo dõi, xử lý kịp thời vi phạm nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh”-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Kim Beng Lua-cán bộ cấp cao của Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu (GRSP) cho biết: GRSP đã đồng hành cùng Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” từ năm 2018 đến nay. Hiệp hội và AIP đã áp dụng kinh nghiệm tại TP. Pleiku để xây dựng giáo trình điện tử về an toàn đường bộ, hiện là một phần của nền tảng đào tạo trực tuyến quốc gia. Hơn 3.000 giáo viên đã được đào tạo để có thể giảng dạy giáo trình điện tử cho học sinh. Theo kế hoạch, chiến lược sẽ cải thiện không chỉ an toàn đường bộ mà còn cả việc di chuyển an toàn cho học sinh thông qua việc khuyến khích đi bộ và đi xe đạp.

 

 MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.