Gia Lai: Vì trường học an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 5 năm qua, mục tiêu đưa Pleiku (tỉnh Gia Lai) trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, vì an toàn cho trẻ em đã được hiện thực hóa thông qua dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”. Môi trường, văn hóa giao thông đã có nhiều thay đổi tích cực, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông cũng như phụ huynh, học sinh được nâng lên rõ rệt.
Theo khảo sát của Quỹ phòng-chống thương vong châu Á (AIP), mỗi năm, nước ta có khoảng 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Đây cũng là nguyên nhân đứng thứ 2 gây ra tử vong ở trẻ em. Để hạn chế tai nạn cho trẻ em, AIP phối hợp triển khai thí điểm dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại 6 tỉnh trên cả nước, trong đó có Gia Lai.
Tại TP. Pleiku, từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2020, dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 do Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và AIP phối hợp triển khai tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi) và Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (đường Tôn Đức Thắng, xã Biển Hồ). Dự án đặt mục tiêu giảm số vụ va chạm, số bị thương và tử vong do tai nạn giao thông qua việc cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và cộng đồng về định hướng hành vi giao thông xung quanh khu vực trường học như: lắp đặt vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học (30-40 km/giờ vào các khung giờ cao điểm), lắp đặt biển báo quy định tốc độ mới… Kết thúc giai đoạn 1, UBND tỉnh đã ban hành quy định chung về đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn TP. Pleiku, xác định cụ thể tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học vào các khung giờ cao điểm để người lái xe giảm tốc độ, xử lý các tình huống đảm bảo an toàn khi qua trường học.
Thông qua việc triển khai mô hình “Giảm tốc độ- trường học an toàn”, ý thức của người tham gia giao thông cũng như phụ huynh và học sinh đã thay đổi rõ rệt, tạo ra một khu vực an toàn về giao thông trước trường học. Ảnh: Minh Phương
Thông qua việc triển khai mô hình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, ý thức của người tham gia giao thông cũng như phụ huynh và học sinh đã thay đổi rõ rệt, tạo ra khu vực an toàn về giao thông trước trường học. Ảnh: Minh Phương
Giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ tháng 7-2020 đến tháng 3-2022 tại 29 trường tiểu học ở TP. Pleiku và Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh). Dự án tiếp tục chú trọng giảm tỷ lệ thương vong của học sinh thông qua việc lắp đặt và xây dựng mới vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ, vỉa hè, lan can inox để tách lối đi bộ và khu vực đậu xe cho phụ huynh cũng như các biển báo giới hạn tốc độ mới và khu vực trường học nhằm nâng cao ý thức của học sinh và cộng đồng về ATGT, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho TP. Pleiku. Từ tháng 5 đến hết tháng 12-2022, Ban ATGT tỉnh và AIP tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 2 mở rộng. Tổng kinh phí thực hiện qua các giai đoạn là gần 12 tỷ đồng.
Trước đây, vào giờ tan trường, khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng thường xảy ra tình trạng phụ huynh đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường. Cùng với đó, trường nằm trên đường Lê Duẩn cũng là trục quốc lộ 19, nơi lưu lượng xe qua lại rất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Khi triển khai dự án, hạ tầng giao thông trước cổng trường đã được cải tạo bài bản, các biển báo giao thông được lắp đặt hợp lý. Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về tốc độ khi lưu thông qua trường học.
Bà Mai Thị Sáu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng-cho biết: Kết quả dễ thấy nhất là ý thức của người tham gia giao thông cũng như phụ huynh và học sinh đã thay đổi rõ rệt, tạo ra một khu vực an toàn về giao thông trước trường học. Điều này không những tránh gây ùn tắc giao thông cục bộ giờ cao điểm mà còn giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông. Còn ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thì khẳng định: Đây là mô hình kiểu mẫu, hướng tới việc đưa TP. Pleiku trở thành thành phố vì sức khỏe, vì an toàn cho trẻ em thông qua những thay đổi tích cực về môi trường, văn hóa giao thông. Thời gian tới, mô hình có thể sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. 
Thiết nghĩ, để dự án đạt hiệu quả cao hơn, các nhà trường cần chủ động phối hợp giải tỏa hàng quán lấn chiếm vỉa hè gần cổng trường để làm nơi đỗ xe cho phụ huynh. Mặt khác, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định về ATGT; kiểm tra và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm về tốc độ khi lưu thông qua khu vực trường học đã triển khai xây dựng mô hình “Khu vực trường học an toàn”. Một giải pháp hữu hiệu khác là lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT khu vực trường học. Điều này không những góp phần trực tiếp nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT của người điều khiển phương tiện mà còn chủ động đối phó với các tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.
Việc tử tế giữa đời thường

Việc tử tế giữa đời thường

(GLO)-Nhặt được của rơi trả lại người mất hay giúp người đi lạc trở về với gia đình là những việc tử tế mà nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã làm. Những việc làm ấy đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy văn minh xã hội, hướng tới các giá trị tiến bộ và nhân văn.