Nỗ lực xây dựng Chư Pưh trở thành huyện nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt 15 năm xây dựng và phát triển (10/12/2009-10/12/2024), Đảng bộ huyện Chư Pưh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và đạt nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Đó là kết tinh của trí tuệ, tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Chư Pưh trong hành trình đổi mới và hội nhập.

Không ngừng lớn mạnh về mọi mặt

Huyện Chư Pưh được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Chư Sê theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27-8-2009 của Chính phủ. Đến ngày 10-12-2009, Đảng bộ huyện được thành lập theo Quyết định số 1194-QĐ/TU của Tỉnh ủy.

Huyện Chư Pưh có diện tích tự nhiên 718 km2, đất đai phù hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng chủ lực như: cao su, hồ tiêu, cà phê và các loại cây ăn quả.

Cùng với đó, huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời cũng như phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, Chư Pưh có quốc lộ 14 đi qua, thuận lợi trong giao thương hàng hóa; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại-dịch vụ và du lịch. Đồng thời, lực lượng lao động tại chỗ dồi dào; đồng bào các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất.

dang-bo-huyen-chu-puh-khong-ngung-lon-manh-qua-15-nam-xay-dung-va-phat-trien.jpg
Diện mạo huyện Chư Pưh ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Q.T

Trải qua 15 năm thành lập, dù gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Pưh đã đoàn kết vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển và đạt được một số thành tựu rất đáng ghi nhận.

Ngày mới thành lập, Đảng bộ huyện có 11 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 402 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện đã phát triển lên 40 tổ chức cơ sở Đảng với 1.778 đảng viên.

Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm.

Theo đó, huyện đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng ứng dụng kỹ thuật số phục vụ phát triển ngành trồng trọt, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao. Công tác hỗ trợ sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng. Chăn nuôi tiếp tục phát triển; trong đó, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao cũng như chủ động nguồn giống, thức ăn nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản xuất và giải quyết việc làm tại chỗ.

Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân luôn ở mức khá. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 9.855,37 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ.

Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 15 năm qua trên 3.800 tỷ đồng, bình quân 253,5 tỷ đồng/năm. Qua đó, huyện từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, công nghệ thông tin... góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

doi-song-san-xuat-nguoi-dan-ngay-cang-phat-trien-hieu-qua-kinh-te-ngay-cang-cao.jpg
Đời sống sản xuất người dân ngày càng phát triển, hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Ảnh: Q.T

Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Chư Pưh ngày càng giàu đẹp.

Nhờ đó, huyện đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc. Đến nay, huyện có 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 17 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,92 triệu đồng/năm, tăng gần 4,9 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo những ngày mới thành lập chiếm gần 40% thì nay chỉ còn dưới 10% và dự kiến đến cuối năm 2025 còn 4,76%.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển về quy mô trường lớp. Toàn huyện có 32 trường học, trong đó có 23 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 18 trường so với năm 2010). Hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phong phú, đa dạng; cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư; hệ thống đài truyền thanh không dây tại các xã, thị trấn được rà soát sửa chữa và đã phát huy hiệu quả.

Mạng lưới y tế không ngừng được đầu tư nâng cấp từ huyện đến cơ sở. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 7/9 xã, thị trấn có bác sĩ. Bệnh viện huyện được đầu tư xây dựng với quy mô 80 giường bệnh, tạo điều kiện cho người dân đến khám-chữa bệnh. Công tác phòng ngừa dịch bệnh được chú trọng nên không để xảy ra các dịch bệnh lớn trên địa bàn.

Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được quan tâm, chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên.

Quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới

Trên chặng đường 15 năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Chư Pưh phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua. Cụ thể, kinh tế-xã hội chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng còn chậm; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các xã vùng khó khăn chưa được đầu tư đúng mức; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững, chưa đảm bảo sự ổn định.

Cùng với đó, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền còn một số mặt hạn chế; cải cách hành chính có lúc còn chậm…

Với những kết quả đạt được sau 15 năm thành lập, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Pưh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục đoàn kết, ra sức phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy những tiềm năng, lợi thế để xây dựng Chư Pưh ngày càng giàu đẹp cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra.

Theo đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng để vận dụng và cụ thể hóa thành những kế hoạch, chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai tác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu (thâm canh, chuyên canh), hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất chuyên canh gắn với chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hiệu quả cao.

Tập trung chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, cây dược liệu, rau, hoa; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp đảm bảo môi trường, mang lại giá trị cao. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, xây dựng mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu cho nông sản của huyện đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

trung-tam-hanh-chinh-huyen-chu-puh.jpg
Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Q.T

Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhất là đầu tư điện năng lượng tái tạo, nhà máy chế biến, phát triển du lịch cộng đồng…

Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương trong và ngoài địa bàn, nhất là các tuyến giao thông có tính kết nối nhằm tạo động lực thúc đẩy địa phương phát triển. Đồng thời, tăng cường đầu tư và huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, y tế, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Huyện cũng sẽ chú trọng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý các hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động, phục hồi tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê ga”; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là tổ chức Đảng cơ sở để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, đảm bảo thực hiện đúng chức năng vai trò là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở; củng cố và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.

Đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để chuẩn bị tốt về nội dung, nhân sự cho việc tổ chức đại hội Đảng các cấp hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tự hào với những kết quả đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường, toàn thể cán bộ, đảng viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm sớm xây dựng huyện Chư Pưh trở thành huyện nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Về miền lá đỏ

Về miền lá đỏ

(GLO)- Tôi thường có thói quen tìm đến những cánh rừng bạt ngàn trong cơn gió xuân dịu nhẹ. Mùa xuân, nhiều cung đường rừng ở tuyến Trường Sơn Đông uyển chuyển khoác lên tấm lụa tràn đầy sắc màu, đỏ rực một vùng trời.

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Dịp Giáng sinh năm nay, nhiều phụ huynh tranh thủ dắt con cháu đến các nhà thờ trên địa bàn thành phố để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm”. Ảnh: Lạc Hà

Người dân Gia Lai nô nức đón Giáng sinh

(GLO)- Tối 24-12, người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai xúng xính trong áo ấm, khăn choàng, nô nức xuống đường tận hưởng không khí Giáng sinh. Đêm Noel, các nhà thờ, xóm đạo trở nên lung linh hơn trong ánh điện, rộn rã với nhiều hoạt động mừng Chúa giáng trần.