Nông dân Đức Cơ trồng sầu riêng theo hướng VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến nay, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) có 470 ha sầu riêng được chứng nhận VietGAP. Nhờ áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn này nên năng suất sầu riêng đạt cao. Riêng năm 2024, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha.

Ông Hoàng Văn Trọn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản xuất khẩu Bắc Tây Nguyên (làng Hrang, xã Ia Kriêng) cho biết: Hợp tác xã có 10 thành viên canh tác 150 ha sầu riêng. Các thành viên đều áp dụng kỹ thuật canh tác sầu riêng theo hướng VietGAP.

Theo đó, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc các loại thuốc hóa học được phép sử dụng và có thời gian cách ly đảm bảo để chăm sóc cây trồng; đồng thời, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác.

“Nhờ trồng theo hướng VietGAP, vườn cây của các thành viên phát triển tốt, ít sâu bệnh. Sản phẩm đảm bảo an toàn nên được thị trường ưa chuộng”-ông Trọn cho hay.

Đưa chúng tôi tham quan vườn sầu riêng của gia đình, ông Trọn cho biết thêm: Gia đình ông có gần 100 ha sầu riêng và tất cả đều được chăm sóc theo hướng VietGAP. Ông sử dụng phân bò ủ hoai và các loại phân gà để bón cho vườn cây. Bên cạnh đó, ông cắt cỏ thay cho việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Khi phát hiện cây sầu riêng bị sâu bệnh gây hại, ông sử dụng thuốc bảo vệ sinh học để xử lý.

“Sầu riêng thường bị sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh nứt thân, xì mủ. Thế nhưng, nếu canh tác theo hướng VietGAP thì cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Đến nay, tôi có 10 ha sầu riêng cho thu hoạch. Nhờ canh tác theo hướng VietGAP nên sản phẩm được khách hàng mua hết với giá cao. Gia đình tôi thu về 8 tỷ đồng”-ông Trọn nói.

ong-hoang-van-tron-ben-vuon-sau-rieng-cua-gia-dinh-duoc-trong-theo-huong-vietgap.jpg
Ông Hoàng Văn Trọn bên vườn sầu riêng của gia đình được trồng theo hướng VietGap. Ảnh: H.T

Anh Nguyễn Văn Phước-Thành viên HTX Nông sản xuất khẩu Bắc Tây Nguyên-thông tin: Gia đình anh có 17 ha sầu riêng, trong đó có 6 ha được áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Đối với 6 ha này, anh chủ yếu sử dụng phân hữu cơ để bón. Ngoài ra, anh không sử dụng thuốc hóa học mà cắt cỏ ủ vào gốc cây để giữ ẩm cho đất.

“Nhờ có một lượng phân bón nhất định từ việc tận dụng cỏ hoai mục ngay tại vườn, mỗi năm, tôi chỉ bón thêm khoảng 25 tấn phân gà và 5 tấn phân NPK với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng. Tuy chi phí đầu tư phân bón hữu cơ cao hơn so với các loại phân bón hóa học nhưng đất tơi xốp, có độ mùn cao, cây phát triển khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh”-anh Phước cho hay.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân trên địa bàn áp dụng kỹ thuật trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Bà Hồ Thị Hương (làng Krêl, xã Ia Krêl) cho biết: Gia đình bà có 250 cây sầu riêng trồng xen với 1.500 trụ hồ tiêu. Cả 2 loại cây trồng này đều được canh tác theo hướng VietGAP. Hiện 100 cây sầu riêng đã cho thu hoạch.

Tùy theo độ tuổi của cây, bà bón với liều lượng khác nhau nhưng trung bình mỗi năm khoảng 7 tấn phân gà và gần 8 tấn phân bò. Mỗi năm, bà chỉ sử dụng 1 lần thuốc bảo vệ thực vật hóa học để xử lý nấm bệnh ở gốc cây, còn lại sử dụng hoàn toàn thuốc sinh học khi phun lên cành và lá.

Ngoài ra, bà cũng không phun thuốc diệt cỏ mà cắt cỏ ủ vào gốc cây để giữ ẩm. “Nhờ đó, vườn cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao. Năm 2024, gia đình thu được 10 tấn sầu riêng, bán được gần 700 triệu đồng”-bà Hương thông tin.

san-pham-sau-rieng-cua-ba-huong-ban-duoc-gia-cao-nho-canh-tac-theo-huong-vietgap.jpg
Gia đình bà Hồ Thị Hương (làng Krêl, xã Ia Krêl) thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Đến nay, toàn huyện có khoảng 883 ha sầu riêng. Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân về kỹ thuật kết hợp xây dựng chứng nhận VietGAP.

Đến nay, toàn huyện có 470 ha sầu riêng được chứng nhận VietGAP. Nhờ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn này nên năng suất sầu riêng trên địa bàn huyện đạt cao. Riêng năm 2024, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha. Huyện phấn đấu có khoảng 1.500 ha sầu riêng vào năm 2030.

“Ngoài hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng chứng nhận VietGAP, đến nay, huyện cũng đã xây dựng 3 chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; 5 mã số vùng trồng với diện tích 200 ha của doanh nghiệp và đang xây dựng 5 mã vùng trồng cho HTX Nông sản xuất khẩu Bắc Tây Nguyên.

Dự kiến trong tháng 11-2024, huyện sẽ đón nhận chứng nhận nhãn hiệu “Sầu riêng Đức Cơ” do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Đồng thời, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm sầu riêng, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy xúc tiến thương mại để quảng bá nhãn hiệu “Sầu riêng Đức Cơ” nhằm tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm”-ông Tư thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.