Tăng cường hợp tác để quản lý hiệu quả cặp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác quản lý cặp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav thời gian qua đã đạt nhiều kết quả phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn còn niều vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên để công tác quản lý thuận lợi, tạo môi trường thông thoáng cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Xe chở hàng hóa vẫn đang chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Xe chở hàng hóa vẫn đang chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Nhịp nhàng phối hợp

Ngày 16-9-2022, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai-Việt Nam và Văn phòng quản lý Cửa khẩu quốc tế Oyadav, tỉnh Ratanakiri-Vương quốc Campuchia đã ký kết Bản Ghi nhớ phối hợp quản lý cửa khẩu. Trong đó, hai bên thống nhất thực hiện giờ làm việc tại cửa khẩu từ 7 giờ đến 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết. Ngoài ra, sẽ giải quyết các trường hợp đặc biệt qua lại biên giới theo đề nghị của hai bên. Các thủ tục, các loại thuế, phí, lệ phí, danh mục hàng cấm, hướng dẫn các mẫu tờ khai và thông tin cần thiết khác được niêm yết công khai tại cửa khẩu bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt-Anh và Khmer-Anh.

Trung tá Đỗ Như Kiên-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Phó Trưởng cửa khẩu cho biết: “Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Công an Cửa khẩu Quốc tế Oyadav thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu; tuân thủ các quy định của Hiệp định, Hiệp ước về biên giới quốc gia. Hai bên cũng tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau trong việc tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới do mình quản lý và trong việc kiểm tra, bảo vệ Cột mốc biên giới. Thường xuyên trao đổi, phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn của hai bên qua lại cửa khẩu thực hiện công tác đối ngoại, hội đàm, giao lưu đúng nguyên tắc, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối”.

Ông Trần Thanh Vân-Chi Cục Trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Phó trưởng cửa khẩu chia sẻ: “Ngày 31-3-2023, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã ký Biên bản ghi nhớ với Hải quan Ratanakiri, theo đó 2 bên đã thống nhất tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở nguyên tắc, pháp luật của mỗi nước và các điều ước quốc tế mà hai bên tham gia. Công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, quá cảnh nhanh chóng, thuận lợi theo quy định của mỗi bên. Cùng với đó là thường xuyên trao đổi thông tin nhằm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu”.

Liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật, ông Dương Công Lộc-Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu (thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng IV-Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay: “Ngành Kiểm dịch của hai cửa khẩu tích cực triển khai công tác tuyên truyền cho hành khách qua lại cửa khẩu về phòng-chống, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh qua biên giới; kiểm tra, giám sát, khử trùng tiêu độc đối với phương tiện, hàng hóa, nhằm ngăn chặn các nguồn bệnh có thể xâm nhập vào nội địa của mỗi bên. Hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh 100% có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Campuchia cấp, chưa có lô hàng nào vi phạm hành chính về kiểm dịch thực vật”.

Người dân đang làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy
Người dân đang làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng hai bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách, cũng như cư dân hai bên biên giới; tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch để khai thác tiềm năng du lịch hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa tại khu vực này.

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Mặc dù các lực lượng chức năng hai bên cửa khẩu đã nỗ lực để các hoạt động tại đây được thông suốt, tuy nhiên, có những vấn đề phát sinh liên quan đến quy định, cơ chế riêng của hai nước đã gây khó khăn nhất định trong công tác xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Về phía Campuchia, bà Mouer Malaiy-Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri chia sẻ: “Nông dân tại Ratanakiri phần lớn là xuất khẩu nông sản sang Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Hiện tại, Việt Nam rất chú trọng vấn đề kiểm dịch, nông sản xuất khẩu sang Việt Nam cần có các giấy tờ xác định nguồn gốc, xuất xứ. Điều này là hợp lý, tuy nhiên, nông dân phía Ratanakiri chủ yếu là tiểu điền, sản xuất nhỏ lẻ, nên nếu phía Việt Nam đòi hỏi hàng hóa phải có xuất xứ, nguồn gốc một cách cứng nhắc, máy móc quá sẽ gây khó khăn cho nông dân phía Campuchia. Mùa xuất khẩu nông sản của Campuchia thường vào mùa khô-là mùa có các lễ hội. Thời điểm này, nông dân rất mong được bán nhanh nông sản để có tiền vui chơi lễ hội, nếu phía Việt Nam khó khăn trong kiểm soát, giam hàng lâu sẽ gây hư hỏng, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lòng dân. Vì vậy, tôi mong các lực lượng chức năng cố gắng tác động mở cơ chế để các sản phẩm này được xuất vào Việt Nam mà không cần những thủ tục rườm rà”.

Liên quan đến công tác phát triển du lịch tại khu vực cửa khẩu, Thiếu tướng Khưm Chatra-Đồn trưởng Đồn Công an Cửa khẩu Quốc tế Oyadav cũng đề nghị: “Thời gian qua, hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện cho hàng hóa, phương tiện qua lại. Đặc biệt, khi có sự vụ xảy ra, cán bộ hai bên đã cùng giải quyết để hàng hóa được lưu thông. Tương lai, tôi mong tất cả những vấn đề nảy sinh, hai bên cùng phối hợp để giải quyết. Chủ trương của Chính phủ Campuchia sẽ cho người dân lên thăm biên giới, nên sắp tới có thể sẽ có nhiều đoàn khách đến tham quan khu vực cửa khẩu Lệ Thanh-Oyadav. Vì vậy, tôi mong các lực lượng chức năng phía Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phối hợp tạo điều kiện, cùng thúc đẩy du lịch hai bên phát triển”.

Ông Trần Thanh Vân-Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cũng có đề xuất quan trọng: “Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam-Campuchia và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải quy định phương tiện phi thương mại phải có giấy phép liên vận do Bộ Giao thông vận tải cấp. Tại Việt Nam, giấy phép liên vận do Sở Giao thông vận tải cấp đã tạo điều kiện rất thông thoáng cho người dân. Tuy nhiên, phía Campuchia lại không cấp giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại qua Việt Nam.

Trong khi đó, TP. Pleiku hiện có 2 bệnh viện lớn, hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh tốt là Hoàng Anh Gia Lai và Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, người dân Campuchia có nhu cầu khám chữa bệnh tại 2 bệnh viện này rất lớn. Song việc không cấp giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại khiến người dân Campuchia không thể sang khám chữa bệnh, hoặc thăm thân, đi du lịch... Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đề nghị Sở Công thương tỉnh Gia Lai, Sở Ngoại vụ, các lực lượng chức năng cặp Cửa khẩu tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải ngoại giao, đề xuất phía Campuchia để tạo điều kiện để người dân có thể qua lại một cách thuận lợi”.

Thu mua hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Thu mua hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Viên-Giám đốc Ban Giao nhận vận chuyển Thaco Agri-một doanh nghiệp có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu rất lớn-kiến nghị: “Hiện lượng hàng hóa của chúng tôi qua cửa khẩu rất lớn, nhưng loại phương tiện vận chuyển của chúng tôi qua Cửa khẩu Quốc tế Oyadav lại không có trong danh sách được lưu thông qua cửa khẩu phía Campuchia nên xe không qua được, trong khi xe chúng tôi có giấy phép liên vận đầy đủ. Chúng tôi đề nghị khi doanh nghiệp đã trình giấy phép liên vận phía Việt Nam cấp thì phía Campuchia linh động giải quyết, tạo điều kiện để xe đi qua thuận lợi.

Vấn đề nữa là phía Campuchia đòi hỏi tài xế phải có bằng lái quốc tế, điều này cũng gây khó khăn cho chúng tôi. Về thủ tục thông quan hàng hóa, mặc dù doanh nghiệp trình bộ thủ tục đầy đủ cho các ngành chức năng phía Oyadav, nhưng thời gian xử lý còn chậm, nên có cơ chế rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa”.

Tiếp tục cởi mở, đẩy mạnh hợp tác

Tiếp tục vun đắp, tạo lập mối quan hệ hữu nghị, cùng tháo gỡ cơ chế để doanh nghiệp, công dân hai bên phát triển giao thương; tạo điều kiện để lực lượng chức năng của hai bên cửa khẩu nắm bắt chủ trương, chính sách của hai nước, chủ động gặp gỡ, tăng cường phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh là mục tiêu mà Gia Lai và Natanakiri nỗ lực hướng tới.

Liên quan đến thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương cho hay: Hoạt động thương mại giữa hai tỉnh rất gắn bó, nhất là từ năm 2022 đến nay, Sở Công thương Gia Lai đã phối hợp với Sở Thương mại Ratanakiri tổ chức 2 phiên chợ thương mại biên giới. Trong tháng 11-2023, Sở Công thương Gia Lai đã phối hợp với Sở Thương mại của 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia tổ chức hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó đã ký được 12 biên bản ghi nhớ hợp tác...

“Từ nay đến cuối năm, Sở Công thương Gia Lai sẽ đăng ký làm việc với Sở Thương mại Ratanakiri để bàn vấn đề ký kết hợp tác giữa 2 Sở nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại qua biên giới. Tôi nghĩ Campuchia phải xác định Gia Lai là thị trường tiềm năng để xây dựng một chương trình hợp tác thương mại bài bản, dài hơi chứ không nên mang tính “buôn chuyến” như hiện nay. Về xuất nhập khẩu hàng hóa, mỗi nước có một chính sách riêng. Ở các tỉnh phía Bắc, phiên chợ biên giới đã được tổ chức theo tháng, theo tuần, sẽ giải quyết được hàng hóa của cư dân 2 bên biên giới. Hiện chúng ta mới tổ chức mỗi năm 1 lần. Chúng tôi sẽ học tập kinh nghiệm cũng như báo cáo với Bộ Công thương nghiên cứu vấn đề này. Đây là hoạt động rất hay, hiệu quả để xử lý hàng hóa cư dân 2 biên giới”-ông Binh nhận định.

Để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, vào các dịp lễ, Tết cổ truyền, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh luôn tổ chức thăm, tặng quà các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia). Ảnh: Hà Duy
Để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, vào các dịp lễ, Tết cổ truyền, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh luôn tổ chức thăm, tặng quà các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia). Ảnh: Hà Duy

Để thúc đẩy hợp tác hai bên khu vực cửa khẩu, ông Nguyễn Như Trình-Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Trưởng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đề nghị: Lực lượng chức năng hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp trong việc thực hiện kiểm soát xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, kiểm dịch. Tiếp tục tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, giới thiệu tiềm năng kinh tế của hai tỉnh; phối hợp đón tiếp khách cấp cao của hai bên, khách quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách du lịch được đến tham quan trong phạm vi khu vực cửa khẩu, cột mốc 30, Quốc môn.

"Đối với những vấn đề mới nảy sinh, vấn đề gì thuộc thẩm quyền cấp trên thì chúng ta báo cáo, tham mưu, đề xuất để giải quyết, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền hai cửa khẩu thì cùng nỗ lực, phối hợp giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trước mắt, cặp cửa khẩu chủ động giải quyết những vấn đề có thể căn cứ trên quy chế phối hợp đã ký kết để không ảnh hưởng đến quan hệ hai bên. Đồng thời phát huy hơn nữa tinh thần chia sẻ, đoàn kết để công tác quản lý tại khu vực cửa khẩu ngày càng chặt chẽ, trôi chảy".

Ông Sum Lin-Trưởng Cửa khẩu Quốc tế Oyadav cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến của các đơn vị thuộc Cửa khẩu Quốc tế lệ Thanh, các ngành chức năng có liên quan để về báo cáo cấp trên, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, cùng nhau thúc đẩy cửa khẩu phát triển mạnh mẽ”.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.