Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai nói về điểm mới, đột phá ở Luật Đất đai 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, sớm hơn so với dự định ban đầu. Để hiểu rõ hơn về những điểm mới ở Luật Đất đai 2024, Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết, những điểm mới của Luật Đất đai 2024, trong đó, những điểm mới nào được xem là có tính đột phá?

Ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Lê Nam

Ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Lê Nam

Ông PHẠM MINH TRUNG: Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 18-1-2024, gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.

Theo đó, Luật Đất đai nghiêm cấm đối với hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời, hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

Phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, lồng ghép nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; giao cho các địa phương trong việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất để các địa phương chủ động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.

Tiếp tục quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chủ động trong đầu tư, người có đất bị thu hồi sẽ biết trước kế hoạch sử dụng đất để chủ động trong việc sử dụng đất, thực hiện quyền của mình, ổn định đời sống, sản xuất. Các nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện quy định nội dung đơn giản hơn, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Luật Đất đai phân cấp toàn bộ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1-1-2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1-1 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất. Phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất. Hoàn thiện các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất tại địa phương; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; bổ sung quy định người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

P.V: Xin ông cho biết, việc sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống thì nó tác động trực tiếp như thế nào đối với người dân và người dân được hưởng lợi gì?

Ông PHẠM MINH TRUNG: Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định từ ngày 15-10-1993 đến trước 1-7-2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận. Từ 1-8-2024, hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư/trong cùng thửa đất hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở chỉ cần đáp ứng điều kiện như: phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương. Cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư…

Trung tâm huyện Krông Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam

Trung tâm huyện Krông Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam

P.V: Xin ông cho biết, kế hoạch tỉnh sẽ triển khai thực hiện, phổ biến về Luật đất đai 2024 như thế nào?

Ông PHẠM MINH TRUNG: Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 782/KH-UBND ngày 4-4-2024 về triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh.Theo đó, , Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng và tổ chức lấy ý kiến góp ý, tổng hợp tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo, trình Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh quyết định nhằm kịp thời, đồng bộ với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai;tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai; rà soát để HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai.

P.V:Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.