Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là mong muốn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) khi tham gia đứng lớp truyền dạy cách thức gò chỉnh chiêng cho hơn 80 nghệ nhân Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ ngày 26-7 đến 28-8.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền luôn trăn trở trước sự biến mất của thang âm cồng chiêng truyền thống. Ảnh NVCC

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền luôn trăn trở trước sự biến mất của thang âm cồng chiêng truyền thống. Ảnh NVCC

Bằng phương pháp khoa học, kỹ thuật chỉnh chiêng đã được khái quát thành bài học lý thuyết và thực hành sáng rõ, dễ hiểu để nghệ nhân có thể tự tin bắt tay vào gò chỉnh cồng chiêng theo đúng thang âm chuẩn của dân tộc mình. Chỉ khi hệ thang âm này tìm lại được chỗ đứng thay cho thang âm bình quân Đồ-Rê-Mi lâu nay thì “trật tự âm thanh” cồng chiêng mới được xác lập trở lại. Đó là cách đưa tiếng cồng, tiếng chiêng Bắc Tây Nguyên vang xa với đầy đủ niềm tự hào về bản sắc.

20 năm trước, khi được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam giao nhiệm vụ lập hồ sơ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã vô cùng choáng ngợp trước những dàn cồng chiêng rất lớn của 2 dân tộc Bahnar và Jrai với hệ thang âm riêng, được xem là tiền đề của âm nhạc cồng chiêng.

“Ngày nay trở lại thì thang âm đó biến mất. Một là sai âm, hai là biến thành Đồ-Rê-Mi”-ông Hiền chia sẻ. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể thêm, có nhà quản lý văn hóa đã gạt đi khi nghe ông trình bày những lo lắng trên với lời bao biện: “Anh là nhà nghiên cứu, chỉ có anh biết chứ có ai biết đâu mà sợ!”.

Với một người đã xem cồng chiêng là máu thịt như ông Hiền thì đó là một phát biểu vô trách nhiệm. Từ quyết tâm bảo tồn đến cùng, ông khẳng định: “Tôi đã lưu giữ thang âm riêng của cồng chiêng Tây Nguyên bằng phương pháp khoa học và giờ là lúc trả nó về với cộng đồng để thiết lập lại “trật tự âm thanh” như cách đây 20 năm trình hồ sơ lên UNESCO”.

Tại lớp tập huấn, ông Hiền và Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh đã dùng chính một nhạc cụ phương Tây là cây đàn guitar làm “thước đo” để học viên dễ hình dung về sự khác nhau giữa thang âm Đồ-Rê-Mi với thang âm cồng chiêng, từ đó làm cơ sở gò chỉnh chiêng một cách có hệ thống, theo phương pháp khoa học.

“Bản chất của thang âm là mối tương quan giữa các cao độ được điều chỉnh chuẩn xác để tạo nên âm nhạc của dàn cồng chiêng. Sau khi căn chỉnh xong, mọi người vỡ òa khi hiểu ra thế nào là đúng. Phải nói là tinh thần tiếp thu của các học viên rất tuyệt vời”-ông Hiền nói. Trước đó, năm 2023, một lớp học tương tự đã được tổ chức cho 43 nghệ nhân và được hưởng ứng nhiệt tình.

Nghệ nhân Rahlan Nhin (làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) cho hay: Làng có nhiều người biết chơi cồng chiêng nhưng không ai biết chỉnh chiêng. Khi chiêng bị lạc âm, làng phải nhờ nghệ nhân nơi khác đến chỉnh. Ngày nay, chi phí sửa 1 bộ chiêng khoảng 2 triệu đồng.

“Cái khó nhất trong chỉnh chiêng là chưa quen cầm búa, lực gõ không đều, ngoài ra phải cảm âm tốt. Nhưng hồi trước chỉ chỉnh chiêng nhờ lỗ tai thôi, theo kinh nghiệm truyền lại, giờ có lý thuyết mình thấy dễ hiểu hơn. Từ nay, chiêng bị phô tiếng thì sẽ không phải tốn tiền mời người chỉnh chiêng nữa”-anh Nhin hồ hởi.

Các nghệ nhân Jrai chăm chú tìm hiểu về kỹ thuật chỉnh chiêng. Ảnh: Phương Duyên

Các nghệ nhân Jrai chăm chú tìm hiểu về kỹ thuật chỉnh chiêng. Ảnh: Phương Duyên

Đã khá lâu rồi, nghệ nhân Ksor Tưm (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) mới được nghe lại thang âm truyền thống của cồng chiêng Jrai. Ông bày tỏ: “Thấy thích lắm, đúng là âm thanh ngày xưa”.

Không chỉ được học lý thuyết bài bản để phân loại những chiếc chiêng bị lạc tiếng và thực hành kỹ thuật chỉnh sửa theo lối cầm tay chỉ việc, các học viên lớp tập huấn còn được kiểm chứng kết quả thông qua việc trình diễn ngay trên bộ cồng chiêng vừa được “lên dây”. Tiếng chiêng âm vang từ niềm tự hào, từ sự hiểu biết sâu sắc của chủ thể văn hóa đối với di sản ông cha.

Trả lời câu hỏi về sự cấp thiết của việc bảo tồn thang âm cồng chiêng truyền thống trước sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nêu quan điểm: “Bảo tồn là giữ lại, đừng làm cho nó mất đi. Tính nguyên vẹn là tiêu chí của bảo tồn, càng nguyên vẹn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Nếu chấp nhận quan niệm tiếp biến văn hóa thì hãy cứ để tiếp biến tự nhiên, hãy cứ để bà con chơi nhạc mới trên dàn cồng chiêng của họ, cụ thể là cồng chiêng cải tiến.

Nhưng nếu làm đúng với hồ sơ đã trình lên UNESCO thì cần thấy rằng thang âm truyền thống là giá trị đã được đo đạc và tính toán kỹ, là một trong những yếu tố hết sức quan trọng có tính tiền đề làm nên sự phong phú và đa dạng của cồng chiêng Tây Nguyên. Nếu đánh mất, hòa đồng vào thang âm bình quân thì xem như “xóa trắng” giá trị ấy.

Trong điều kiện xã hội có nhiều biến đổi, một số tín ngưỡng mới du nhập, người ta có thể không còn giữ được không gian văn hóa cùng những nghi thức như cũ nhưng vẫn có thể bảo tồn thang âm cổ truyền nếu đủ quyết tâm”.

Không phải ai cũng là chuyên gia khi đắm mình trong những không gian rộn rã âm nhạc cồng chiêng. Hầu hết chúng ta đang thưởng thức cồng chiêng theo tinh thần trân trọng giá trị di sản và đề cao sự kết nối cộng đồng hơn là “biết sợ” trước sự phai nhạt của một giá trị nguyên bản.

Vậy thì hãy hoan nghênh các chuyên gia vào cuộc để giúp chính chủ thể văn hóa trên vùng Bắc Tây Nguyên neo giữ lại giá trị độc đáo ấy trước khi nó biến mất trong tiếc nuối. Cần nhớ rằng, trong mục tiêu bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, người thực hành di sản luôn nắm giữ vai trò quan trọng nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Thị Kim Sơn: Đa mang ánh chiều

Thơ Lê Thị Kim Sơn: Đa mang ánh chiều

(GLO)- "Đa mang ánh chiều" của tác giả Lê Thị Kim Sơn là chiêm nghiệm về sự mong manh của thời gian và cả cảm giác cô đơn, lạc lõng khi đối diện với ánh chiều tắt dần. Mạch cảm xúc bài thơ diễn ra trong một không gian yên ả, tưởng chừng như thanh bình nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm sâu kín...

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

(GLO)- Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn nửa thế kỷ trước có gì thú vị? Triển lãm ảnh “Ký ức Pleiku” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 24-1 đến 21-2 đưa người xem bước vào chuyến du hành trở về Pleiku xưa, thêm cơ sở so sánh với sự phát triển không ngừng của đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên.

Thanh âm quê nhà

Thanh âm quê nhà

(GLO)- Sinh ra vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh đồng lúa xanh mướt, con đường làng quanh co và những ngôi nhà tranh đơn sơ mộc mạc. Quê nhà dẫu còn nghèo khó nhưng lại chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên.

Cỏ xanh về phía cũ

Cỏ xanh về phía cũ

(GLO)- Bài thơ “Cỏ xanh về phía cũ” của Vân Phi như một bức tranh ký ức trầm lắng về mái ấm gia đình, nơi thời gian dường như lặng lẽ quay trở lại qua những hình ảnh quen thuộc, giản dị thấm đượm tình cảm và ký ức sâu sắc khiến người ta thổn thức.

Giấc mơ xanh

Giấc mơ xanh

(GLO)- Mùa xuân có muôn vàn con đường mở ra trước mắt. Mới hôm nào giá rét đẩy ta đến bờ sông sụt lở, thấy bi quan, lo lắng thì giờ đây, mùa xuân như bến mơ, có con đò sẵn đợi.

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Mùa đót

Mùa đót

(GLO)- Mỗi khi trời đất được sưởi ấm dần từ những tia nắng mùa xuân, cây lá bên đường xanh non nảy lộc, hoa tươi thắm sắc, tôi lại bâng khuâng nhớ về những điều gần gụi. Thoáng thấy dáng má cặm cụi bên hiên ngồi tết lại cây chổi đót đã bung ra những lạt mây, tôi chợt nhớ về những mùa đót cũ.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).