Tại điểm cầu Gia Lai, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tư vấn của Tổ công tác, Hội đồng tư vấn và quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, có 247 TTHC, giấy tờ công dân tại 25 văn bản quy phạm pháp luật đã được đơn giản hóa theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; 40 TTHC nội bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa và 1.012 TTHC nội bộ đã được các bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án đơn giản hóa theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có sự cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và số hóa kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó nhiều dịch vụ công đã được tái cấu trúc, đơn giản hóa quy trình thực hiện. Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò phục vụ chỉ đạo, điều hành, đánh giá kết quả cải cách TTHC của cơ quan, đơn vị và theo dõi, giám sát của cá nhân, tổ chức.
Tổ công tác đã phát huy vai trò giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC. Đến nay, Tổ công tác đã cơ bản hoàn thành 13/17 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn), Hội đồng tư vấn hoàn thành 10/23 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn) theo kế hoạch hoạt động.
Nhiều đơn vị tại Gia Lai đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Như Nguyện |
Các ý kiến tại phiên họp cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: Quy định, TTHC còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian; việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ cũng như hoạt động tham vấn của một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm; TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà.
Mặt khác, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm đúng mức; tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính. Việc số hóa tái sử dụng dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn thấp.
Để thúc đẩy công tác cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương và phát huy vai trò của Tổ công tác và Hội đồng tư vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo quan tâm khai thác tối đa tiện ích từ Đề án 06 và ứng dụng VneID. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới “Việc gì dở dang thì làm tiếp, cái gì không biết thì hỏi”; đồng thời đề cao vai trò người đứng đầu, bởi thực tế địa phương nào, ngành nào người đứng đầu quyết liệt thì nơi đó có thành quả.
Cùng với việc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cũng như các thành viên Tổ công tác và Hội đồng tư vấn phối hợp tốt hơn trong công tác cải cách TTHC, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn truyền thông tốt hơn về nội dung này. Cũng trong bài phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trả lời những đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến cải cách TTHC trước ngày 15-8.