Cuối tuần qua, anh Nguyễn Đình Thi Cử (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cùng bạn bè đến Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ để tham quan. Để biết nhiều thông tin hơn, anh Cử đã quét mã QR tại bảng giới thiệu đặt ngay cổng vào di tích. Thông tin và hình ảnh trong mã QR được trình bày theo dạng infographic với nội dung ngắn gọn như: Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ nằm ở xã Biển Hồ, cách trung tâm TP. Pleiku 7 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 14. Biển Hồ có diện tích khoảng 250 ha, độ sâu khoảng 14-20 m, đáy bằng phẳng và có độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển. Biển Hồ chính là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây 200 ngàn năm… Bên cạnh đó, video clip dài hơn 8 phút đã cung cấp hình ảnh sống động về di tích này.
Công trình thanh niên “Số hóa dữ liệu Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ” do Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám và Đoàn trường THPT Pleiku thực hiện từ tháng 9-2023. Để số hóa di tích, 2 đơn vị đã cùng nhau lên ý tưởng, thu thập các thông tin chính xác từ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku cũng như trên báo Gia Lai. Ngoài thông tin, các em học sinh đã chụp ảnh, quay video clip, lồng tiếng để du khách có cái nhìn rõ nét hơn về di tích. Tiếp đó, các học sinh cùng nhau sắp xếp thông tin, hình ảnh và dựng video clip. Công trình này đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân và du khách.
Mã QR được đặt ở ngay cổng vào di tích Biển Hồ, 1 bảng đặt ở khu vực tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Em Nguyễn Trần Gia Hưng (lớp 12A1, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho hay: “Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được kết nối internet và thực hiện quét mã QR, trong vài giây, những thông tin về di tích lịch sử-văn hóa sẽ được cung cấp đến du khách. Nếu có mã QR, du khách dành thời gian tham quan, sau đó tìm hiểu được thông tin một cách chính thống. Video clip về di tích do chúng em thực hiện đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt người xem sau 6 tháng đăng tải. Khi tìm hiểu, quay dựng các video clip, em đã biết thêm nhiều thông tin bổ ích mà trước kia chưa từng được nghe”.
Từ hiệu ứng tích cực của công trình này, Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám tiếp tục thiết kế sổ tay du lịch khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Nhóm tác giả gồm: Võ Danh Toàn, Vũ Anh Thư, Lê Trang Thùy Linh (lớp 10A1) đã thông tin đến du khách về vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai; giọt nước; vườn cà phê; cánh đồng Ia Tonh; cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng; cồng chiêng, xoang, thổ cẩm; đặc sản vú sữa Ia Nueng…
Để có những thông tin chuẩn xác cho sổ tay, nhóm tác giả đã đến gặp già làng Hmrik và dân làng Ia Nueng, chụp hình cây đa, vườn tượng gỗ… rồi thiết kế các thông tin theo dạng infographic. “Trường em nằm ở gần làng Ia Nueng, em muốn đóng góp sức sáng tạo của tuổi trẻ để phát triển làng du lịch cộng đồng. Chúng em vừa hoàn thiện sổ tay, chuẩn bị gửi Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku thẩm định nội dung. Sau khi được đồng ý, chúng em sẽ tích hợp vào mã QR và đặt tại cổng làng, khu vực cây đa và khu vực vườn tượng gỗ. Đoàn trường cũng sẽ làm móc khóa có hình mã QR để tặng du khách”-em Võ Danh Toàn thông tin.
Mới đây, gần 100 đoàn viên, thanh niên đến từ 22 tỉnh, thành phố tham gia hội nghị giao ban Đoàn khối khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã có dịp tham quan Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku. Vì thời gian có hạn nên nhiều đoàn viên, thanh niên đã quét mã QR do Đoàn trường THPT Lê Lợi và Đoàn trường THPT Nguyễn Chí Thanh thực hiện, đặt trong khuôn viên di tích. Anh Cao Đỗ Mười-Bí thư Chi Đoàn Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ-cho hay: “Khi truy cập mạng internet, tôi tìm được khá nhiều thông tin về di tích này. Tuy nhiên, nhiều thông tin không trùng khớp. Vì thế, tôi đã quét mã QR đặt tại di tích để tìm hiểu bởi đây là những thông tin chính thống, được các cơ quan chức năng thẩm định”.
Công trình số hóa dữ liệu Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku được thiết kế ngắn gọn, súc tích, trình bày theo dạng hình ảnh và infographic, video clip toàn cảnh, cận cảnh kèm lời thoại để du khách dễ dàng nắm bắt thông tin. Em Nguyễn Đỗ Thành Đạt (lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) bày tỏ: “Việc làm này không chỉ góp phần giới thiệu Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku đến mọi người mà còn giúp chúng em hiểu thêm về lịch sử. Em đã cùng các bạn dành thời gian tra cứu thông tin lịch sử, đa dạng hình thức trình bày để làm sao truyền tải thông tin một cách chính xác, đầy đủ nhưng không nhàm chán”.
Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn của TP. Pleiku đã tích cực thực hiện việc số hóa dữ liệu các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn. Tại các di tích lịch sử-văn hóa, mã QR được thiết kế dưới dạng pa nô, biển bảng giới thiệu đẹp mắt, đặt ở những vị trí phù hợp để mọi người dễ quét mã, tìm kiếm thông tin.
Đang thu thập thông tin để số hóa dữ liệu về làng Ốp (phường Hoa Lư), anh Bùi Hoàng Vũ-Bí thư Đoàn phường-thông tin: “Công trình số hóa về làng Ốp ngoài các hình ảnh đẹp còn tích hợp thông tin về địa điểm nghỉ dưỡng, ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc, phương tiện di chuyển… với mong muốn đem đến cho du khách một cuốn cẩm nang du lịch hấp dẫn. Đoàn phường sẽ lồng ghép bản thuyết minh bằng song ngữ Việt-Anh để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cho du khách nước ngoài. Sau khi hoàn thành, ngoài dán mã QR tại làng Ốp, Đoàn phường sẽ đăng tải mã QR lên mạng xã hội để những người chưa có điều kiện đến tham quan có thể tìm hiểu thông tin qua việc quét mã. Công trình dự kiến ra mắt vào tháng 9-2024”.
Công trình “Số hóa dữ liệu di tích lịch sử-văn hóa” là điểm mới trong cách quảng bá văn hóa, du lịch, thể hiện tinh thần sáng tạo, tiên phong ứng dụng chuyển đổi số của đoàn viên, thanh niên. Cách làm này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí tuyên truyền mà còn cung cấp chính xác dữ liệu, tài liệu liên quan đến từng địa điểm cho du khách.
Hiện tại, tuổi trẻ TP. Pleiku đã số hóa dữ liệu Di tích lịch sử Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Thành Đoàn và Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thành phố đang phối hợp để số hóa dữ liệu các di tích trên địa bàn như: Di tích Khu 9 xã Gào, Di tích Trại giam Tù binh Pleiku (1966-1972), Di tích địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam.