Gia Lai khẩn trương “lấp lỗ hổng” tiêm chủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ đạt 29,4%. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế đang khẩn trương “lấp lỗ hổng” tiêm chủng.

Tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tiêm chủng mở rộng được triển khai với khối lượng công việc rất lớn, vừa triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho đối tượng của năm 2024, đồng thời rà soát đối tượng để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em của năm 2023.

Công tác tiêm chủng được thực hiện thường xuyên tại các điểm tiêm chủng cố định ở trạm y tế và các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm ngoài trạm nhằm nhanh chóng tiêm bù mũi cho trẻ đảm bảo độ bao phủ vắc xin.

Tuy vậy, do thiếu hụt các loại vắc xin tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1 nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn tỉnh không đạt yêu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Gia Lai tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng nhằm tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian đến. Ảnh: N.N

Gia Lai tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng nhằm tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian đến. Ảnh: N.N

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, số vắc xin 5 trong 1 cấp về tỉnh là 51.950 liều, thấp hơn so với nhu cầu dự kiến. Bên cạnh đó, từ tháng 9-2023 đến đầu tháng 5-2024, vắc xin IPV (vắc xin ngừa bại liệt) mới được cung cấp trở lại cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, tình trạng bỏ mũi tiêm hoặc tiêm muộn cũng ảnh hưởng đến kết quả của công tác tiêm chủng.

Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-thông tin: Theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm chủng đầy đủ khi tiêm đủ 8 liều vắc xin (1 liều vắc xin lao, 3 liều vắc xin 5 trong 1, 3 liều vắc xin có thành phần bại liệt và 1 liều vắc xin sởi lúc trẻ từ 9 tháng tuổi). Yêu cầu đặt ra là trẻ phải được tiêm đủ các loại vắc xin như trên, lần lượt qua 9 tháng và khi trẻ đủ 9 tháng trở lên thì tiêm mũi vắc xin sởi. Vì vậy, đối tượng sinh năm 2024 phải đến cuối năm nay mới tính đầy đủ.

Ngoài ra, trẻ sinh trong năm 2023 thì thời gian trong năm vắc xin không đủ cung ứng; đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 12-2023, vắc xin 5 trong 1 không được cung cấp; còn từ đầu năm 2024 đến nay, vắc xin 5 trong 1 và vắc xin bại liệt cung ứng chưa đủ.

Nỗ lực “lấp lỗ hổng” tiêm chủng

Thiếu vắc xin dẫn đến công tác tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn. Người dân sau nhiều lần đưa trẻ đi tiêm nhưng không có vắc xin dẫn đến ngại đưa trẻ đi tiêm. Chị Lê Thị Thanh Nga-Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Ngoài tổ chức tiêm chủng tại trạm, chúng tôi còn tổ chức các điểm tiêm ngoại trạm, tiêm chủng lưu động và các biện pháp khác nhằm đảm bảo tiến độ”.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc Bộ Y tế kịp thời cấp vắc xin để các tỉnh thành khẩn trương lấp lỗ hổng tiêm chủng là điều vô cùng cấp bách. Ảnh: Như Nguyện

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc Bộ Y tế kịp thời cấp vắc xin để các tỉnh thành khẩn trương lấp lỗ hổng tiêm chủng là điều vô cùng cấp bách. Ảnh: Như Nguyện

Còn ông Phạm Khắc Trung-Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Chư Păh) thì cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện chỉ có khoảng 30% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ do thiếu vắc xin. Khi có vắc xin cấp về thì các trạm nhanh chóng thông báo cho các gia đình có con trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ. Ngoài tiêm tại trạm, chúng tôi còn tổ chức tiêm lưu động tại các thôn, làng.

Tại huyện Chư Prông, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trong 6 tháng đầu năm nay cũng chỉ đạt 30%. Chị Phạm Thị Hương-Cán bộ chuyên trách công tác tiêm chủng (Trung tâm Y tế huyện) cho hay: Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt thấp sẽ làm gia tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, đặc biệt là sởi…

Chính vì vậy, khi có vắc xin, các trạm y tế trên địa bàn huyện khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét cho trẻ.

Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thanh-Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên): Hiện nay, một số loại dịch bệnh như: sởi, bạch hầu, ho gà… có nguy cơ bùng phát.

Tại Gia Lai, trong các năm 2020-2021, dịch bạch hầu bùng phát và các địa phương đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu cơ bản bao phủ với gần 90%. Dù vậy, Gia Lai cần tiếp tục rà soát để đảm bảo các đối tượng còn lại được tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu đầy đủ.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường rà soát đối tượng, đặc biệt là vùng có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp để triển khai tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung cho trẻ; tăng cường theo dõi tiến độ tiêm chủng định kỳ hàng tháng nhằm kịp thời đánh giá tình hình tiêm chủng ở địa phương và có các biện pháp can thiệp, tiến tới đạt chỉ tiêu trên 90% trẻ được tiêm chủng đầy đủ như yêu cầu đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.