TP Phú Quốc (Kiên Giang) xuất hiện ổ dịch sởi từ đầu tháng 4-2024. Đến nay, đã ghi nhận 83 ca trong số 140 trường hợp phát ban nghi sởi. Các ca bệnh xuất phát đầu tiên ở trường tiểu học, khi truy vết cộng đồng đã phát hiện thêm nhiều trường hợp ở người lớn và trẻ mầm non. Địa phương này đã huy động được nguồn tài trợ để mua vaccine sởi, tiêm bổ sung tại vùng nguy cơ cao. Trong khi đó, TPHCM ghi nhận 16 ca sởi chỉ sau hơn 2 tuần. Các bệnh viện của TPHCM cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân sởi biến chứng nặng từ tỉnh thành khác chuyển về.
Do vậy, ngày 11-6, tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam, lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM và đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nguy cơ sởi bùng phát rất cao nếu không có biện pháp quyết liệt hơn”. Các chuyên gia khẳng định, quan trọng nhất là khẩn cấp “vá” lỗ hổng tiêm chủng. Lỗ hổng này do đâu?
Năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng rất thấp. Sau đó, cả nước lại thiếu hụt vaccine tiêm chủng mở rộng kéo dài. Nguyên do là trước đây, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine từ nguồn Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải mua sắm vaccine từ ngân sách của tỉnh nhưng đều gặp khó khi triển khai.
Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP và Quyết định số 931/QĐ-TTg, giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine. Các thủ tục theo quy trình mất rất nhiều thời gian và dẫn đến thiếu hụt vaccine tiêm chủng mở rộng trên cả nước. TPHCM liên tục gửi văn bản đến Bộ Y tế xin hướng dẫn cũng như cảnh báo đến cộng đồng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trong đó có sởi. Sởi là loại bệnh lây truyền nhanh bậc nhất qua đường hô hấp, được ví von “chỉ cần đi ngang đầu giường đã bị lây sởi”. Bệnh không có thuốc đặc trị và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Khoảng trống tiêm chủng có thể xem là “gót chân Asin” để sởi bùng phát. Viễn cảnh đáng ngại nhất khi sởi lây lan trong các bệnh viện. Bài học năm 2014 vẫn còn nguyên giá trị khi hơn 100 trẻ tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoảng 6.000 ca mắc trên toàn quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lập tức phối hợp với Văn phòng WHO tại Việt Nam đánh giá nguy cơ bệnh sởi tại 63 tỉnh thành, đưa ra mức cảnh báo của từng địa phương vào cuối tháng 6. Từ đó, quyết định nơi nào sẽ tiêm bù, tiêm vét; nơi nào sẽ mở rộng đối tượng, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi. Công tác này được cho là cần gấp rút, khẩn cấp hơn và rõ ràng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của y tế địa phương. Bộ Y tế yêu cầu nhanh chóng tập huấn cho bệnh viện tuyến dưới về điều trị, phân luồng bệnh sởi, tránh tình trạng đổ dồn về TPHCM gây áp lực nặng nề, thậm chí làm tăng số ca tử vong. TPHCM là địa phương rất quyết liệt trong rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét đồng loạt cho trẻ khi nguồn cung vaccine trở lại từ năm 2023.
Tuy nhiên, ngăn chặn được dịch sởi hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của phụ huynh. Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, có thể khiến nhiều người quên lịch tiêm ngừa của trẻ, hoặc không dám tiêm vì con bị bệnh bẩm sinh, hoặc sự âm ỉ của quan điểm anti-vaccine… Những suy nghĩ này có thể vô tình lấy đi cơ hội được bảo vệ của con trẻ. Suy cho cùng, trách nhiệm của người lớn là mang lại môi trường an toàn nhất để trẻ em được sống, học tập và phát triển, trong đó có điều kiện về y tế, sức khỏe.