Ngày 19-3, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi khi căn bệnh này đang diễn biến bất thường.
Bộ Y tế nêu rõ, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi từ năm 2022 đến năm 2023 đã tăng 255%.
Bệnh sởi rất dễ lây lan ở trẻ nhỏ |
Đối với Việt Nam, từ đầu năm 2024 tới nay ghi nhận 42 ca mắc sởi tại 13 tỉnh, thành. Hơn nữa, thời gian qua do ảnh hưởng của việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine sởi là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi.
Trẻ mắc sởi thường bị sốt phát ban |
Để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Đồng thời tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra nên rất dễ lây lan, nhất là ở trẻ em. Khi phát hiện, trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.