Gia Lai: Kiên quyết xử lý sai phạm trong hành nghề y tế tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, hệ thống y tế tư nhân phát triển nhanh chóng về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh các cơ sở hoạt động đúng quy định, vẫn còn không ít nơi trục lợi, vi phạm pháp luật, cần được xử lý triệt để.

Các hành vi vi phạm phổ biến trong hành nghề y tế tư nhân như tư vấn sai lệch, thu phí không hợp lý, hành nghề không phép, "vẽ bệnh" để thu tiền, mạo danh nhân viên y tế… không chỉ làm suy giảm uy tín ngành Y tế mà còn đe dọa an toàn người bệnh. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường giám sát, chấn chỉnh hoạt động khám-chữa bệnh tư nhân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Đủ kiểu sai phạm

Ngày 9-7-2025, Sở Y tế tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 1568/QĐ-SYT đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của Phòng khám Đa khoa Phượng Đạt (phường Quy Nhơn) vì không đảm bảo điều kiện nhân lực, thiếu người hành nghề phù hợp với phạm vi chuyên môn đã cấp phép - vi phạm nghiêm trọng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, phòng khám này từng bị người dân phản ánh về tình trạng “chặt chém”, thiếu minh bạch trong thu phí. Tại thời điểm kiểm tra ngày 7-7, cơ sở vẫn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.

phuong-dat.jpg
Phòng khám đa khoa Phương Đạt bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn cho đến khi Sở Y tế cho phép hoạt động trở lại. Ảnh: Thảo Khuy

Không chỉ riêng Phượng Đạt, trước đó, Phòng khám đa khoa Tây Nguyên tại TP Pleiku (cũ) cũng bị xử phạt vì chẩn đoán sai và yêu cầu điều trị không hợp lý. Cụ thể, một bệnh nhân nam đến khám vì nghi ngờ viêm đường tiết niệu bị chẩn đoán mắc bệnh lậu, được yêu cầu hút dịch với chi phí 12,8 triệu đồng. Khi thủ thuật đang thực hiện, bệnh nhân tiếp tục bị đề nghị thanh toán thêm 49,8 triệu đồng cho một liệu trình “chuyên sâu”. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tại 2 bệnh viện khác cho thấy bệnh nhân âm tính với vi khuẩn lậu.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh và tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, bác sĩ trực tiếp khám bệnh bị xử phạt 7,5 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 2 tháng. Riêng Phòng khám đa khoa Tây Nguyên bị đình chỉ hoạt động chuyên khoa Ngoại.

kiem-tra.jpg
Sở Y tế phối hợp tổ chức thanh tra định kỳ việc chấp hành quy định pháp luật tại các cơ sở khám-chữa bệnh, tiêm vắc xin dịch vụ và kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ĐVCC

Không chỉ vậy, tình trạng “cò mồi” tại các cơ sở khám-chữa bệnh cũng gây phiền hà cho người dân. Anh T.N. (ở phường Pleiku) kể rằng: Khi đi khám bệnh liên quan đến ký sinh trùng, anh bị nhóm người mời chào và dẫn đến cơ sở tư khác với lý do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã đóng cửa.

Thậm chí, một bệnh nhân nữ ở xã Phù Cát còn được "cò" thông báo rằng “Viện cũ đã bị dẹp để xây trường học”.

Không để sai phạm ảnh hưởng đến hệ thống y tế tư nhân

Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Hùng-Giám đốc Sở Y tế-nhấn mạnh: “Chúng tôi ghi nhận vai trò quan trọng của y tế tư nhân trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, không thể để một vài cơ sở vi phạm làm ảnh hưởng tới toàn ngành. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm minh, dứt điểm, không bao che bất cứ sai phạm nào”.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế đã tăng cường giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân, triển khai kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt tại các cơ sở có dấu hiệu bất thường qua phản ánh từ người dân, báo chí hoặc dữ liệu chuyên ngành. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng chú trọng rà soát, cập nhật danh sách cơ sở hành nghề để đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn.

bac-hung-1284.jpg
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng triển khai Thông tư số 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế tại hội nghị phổ biến quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế công lập và tư nhân. Ảnh: ĐVCC

Riêng với hành vi “vẽ bệnh”, kê đơn quá mức, thu phí sai quy định hay làm giả hồ sơ khám-chữa bệnh, ông Hùng khẳng định đây là những vi phạm nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp quyền lợi và sức khỏe người dân.

Tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển

Bên cạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Sở Y tế chú trọng hỗ trợ các cơ sở y tế tư nhân hoạt động đúng quy định. Sở thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật, cập nhật chuyên môn; khuyến khích đầu tư trang thiết bị, cải tiến quy trình phục vụ. Thời gian tới, Sở tiếp tục hoàn thiện cơ chế đối thoại, lắng nghe phản hồi để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển bền vững.

“Nếu có đủ căn cứ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định, kể cả đình chỉ hoạt động khi cần thiết. Việc xử lý được áp dụng công bằng, không phân biệt giữa cơ sở công lập hay tư nhân”-ông Hùng nhấn mạnh.

Đối với các hành vi có dấu hiệu hình sự như giả mạo nhân thân bác sĩ, hành nghề trái phép, lôi kéo bệnh nhân gây mất trật tự hoặc cạnh tranh không lành mạnh, Sở Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng để điều tra, xử lý triệt để. Đồng thời, chủ động cung cấp hồ sơ, thông tin hỗ trợ công tác điều tra, kiến nghị xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa.

“Không thể vì một vài cơ sở vi phạm mà đánh mất niềm tin của người dân vào toàn bộ hệ thống y tế tư nhân. Quan trọng là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch, kiểm soát hiệu quả, xử lý nghiêm sai phạm. Đó là cách giữ vững uy tín và sự ổn định cho cả hệ thống”-ông Hùng chia sẻ.

Tăng cường thanh tra, xử lý

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế tỉnh Bình Định (cũ) đã phối hợp với Sở Công Thương và Công an tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành (theo Quyết định số 468/QĐ-SYT ngày 9-5-2025) để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược và an toàn thực phẩm.

Theo đó, đoàn đã kiểm tra 85 cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh; xử phạt 7 cơ sở với tổng số tiền 46,75 triệu đồng.

Song song đó, một cuộc kiểm tra khác với 21 cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ y tế đang được triển khai. Đến nay, 1 cơ sở bị xử phạt 2 triệu đồng. Ngoài ra, ngành Y tế cũng xử phạt 102,6 triệu đồng đối với một cơ sở khám-chữa bệnh sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân.

Đà Nẵng - địa phương đầu tiên xử lý hình sự phòng khám “vẽ bệnh”

Tại TP Đà Nẵng, 2 phòng khám tư nhân Hữu Nghị và Hữu Thọ (sau đổi tên thành Phòng khám đa khoa Miền Trung) do nhóm bác sĩ người Trung Quốc điều hành, núp bóng bác sĩ Việt Nam. Các cơ sở này sử dụng phiên dịch viên không đạt yêu cầu, thực hiện khám bệnh qua loa, đưa ra chẩn đoán gây lo lắng cho người bệnh nhằm ép sử dụng các dịch vụ có chi phí cao.

Đầu năm 2025, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã tuyên phạt tổng cộng 24 năm tù đối với 8 bị cáo liên quan đến 2 phòng khám trên. Trong đó, 2 đối tượng cầm đầu là người Trung Quốc bị tuyên phạt mỗi người 8 năm tù về các tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Đây là vụ án đầu tiên trong cả nước xử lý hình sự hành vi “vẽ bệnh” tại phòng khám, tạo tiền lệ pháp lý quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người bệnh.

Đến tháng 7-2025, Công an TP Đà Nẵng tiếp tục khởi tố thêm vụ án mới liên quan đến Phòng khám đa khoa Quốc tế Đà Nẵng (ở 180 Trần Phú) vì hành vi lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính gần 400 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

null