Chiều 1.4, TAND TP.Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm nhóm bị cáo do bị cáo người Trung Quốc cầm đầu, "phù phép" các giấy tờ để tiếp tay bác sĩ Trung Quốc hành nghề trái phép tại Việt Nam.
HĐXX tuyên phạt Lin Chao Yang (quốc tịch Trung Quốc) 3 năm tù, Phạm Thị Quỳnh Hoa 2 năm 6 tháng tù, Trần Thị Ngọc Bích (cùng ở TP.Hải Phòng) 1 năm 6 tháng tù, Bạch Thị Thanh (ở Nghệ An) 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Dùng người Việt Nam làm 'bình phong'
Theo cáo trạng, năm 2017, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao (quốc tịch Trung Quốc) hợp tác đầu tư chuỗi 5 phòng khám đa khoa tại một số tỉnh, thành.
Trong đó, Phòng khám đa khoa Hữu Nghị (291 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) do Bùi Minh Đông (58 tuổi, ở Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) làm người đại diện pháp luật; Phòng khám đa khoa Hồng Phát (464 Lạch Tray, TP.Hải Phòng) do Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, ở TP.Hải Phòng) làm đại diện pháp luật; Phòng khám đa khoa Trường Hải (236 Trường Chinh, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) do Vũ Thị Đềm (42 tuổi, ở Bắc Giang) làm đại diện pháp luật.
Phòng khám đa khoa 99 Lê Lợi (ở TP.Vinh) do Tô Thị Thu Lan (46 tuổi, ở TP.Vinh) làm đại diện pháp luật; Phòng khám đa khoa Thái Dương (18 - 20 Đồng Khởi, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) do Lý Huệ Trinh (33 tuổi, ở Q.11, TP.HCM) làm đại diện pháp luật.

Tuy nhiên, 2 người Trung Quốc này góp vốn chui, không đăng ký đầu tư theo quy định mà cho người Việt Nam đứng tên làm "bình phong", không được can thiệp vào việc kinh doanh.
Lin Chao Yang quyết định mọi việc như nhân sự, kinh doanh, phụ trách chung chuỗi phòng khám và trực tiếp điều hành Phòng khám đa khoa Hồng Phát. Wu Jin Biao trực tiếp điều hành Phòng khám đa khoa Hữu Nghị và Phòng khám đa khoa Lê Lợi.
Phạm Thị Quỳnh Hoa là trợ lý của Lin Chao Yang, chỉ đạo các nhân viên hành chính nhân sự tại các phòng khám. Trần Thị Ngọc Bích, Bạch Thị Thanh là nhân viên hành chính - nhân sự tại Phòng khám đa khoa Hồng Phát và Phòng khám đa khoa hữu nghị, xin cấp đăng ký hành nghề cho các bác sĩ Trung Quốc.
Theo quy định, bác sĩ nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về ngôn ngữ thì mới đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề, đăng ký hành nghề tại Việt Nam; người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ.
Lin Chao Yang và Wu Kin Biao khi tuyển bác sĩ biết rõ nhiều người Trung Quốc chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa được cấp đăng ký hành nghề nhưng vẫn đưa các "tay mơ" này vào làm việc.
Nhân viên phiên dịch được tuyển cũng không có chứng nhận trình độ. Tháng 6.2018, Lin Chao Yang và Wu Kin Biao đặt làm giả 16 giấy chứng nhận giả từ thông tin cá nhân, ảnh thẻ mà người lao động cung cấp để hợp thức hóa.
Bị rút giấy phép vẫn lập phòng khám mới, tiếp tục hoạt động
Các bị cáo còn tận dụng một số nhân viên biết tiếng Trung Quốc, điều chuyển vào vị trí phiên dịch và làm giả giấy chứng nhận hợp thức hóa hoạt động khám chữa bệnh chui.
Tại Phòng khám đa khoa Hữu Nghị và Phòng khám đa khoa Hồng Phát, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao tuyển 4 bác sĩ Trung Quốc, 5 phiên dịch viên không đủ điều kiện rồi sử dụng giấy tờ giả để hành nghề. Đầu tháng 11.2019, Phòng khám đa khoa Hữu Nghị bị Sở Y tế TP.Đà Nẵng rút giấy phép hoạt động.

Tại TP.Hải Phòng, Phòng khám đa khoa Hồng Phát ban đầu do Công ty TNHH thương mại Hòa Nga lập năm 2016 với tên Phòng khám đa khoa Hiện Đại (464 Lạch Tray). Đến tháng 6.2019, Phòng khám đa khoa Hiện Đại bị rút giấy phép nên Công ty TNHH thương mại Hòa Nga lập Phòng khám đa khoa Hồng Phát cũng tại địa chỉ trên, do Lin Chao Yang đứng đằng sau đầu tư và điều hành.
Trong vụ án này, Wu Jin Biao đã trốn khỏi Việt Nam nên đang bị truy nã.
Tại tòa, Lin Chao Yang quanh co chối tội; các bị cáo Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh thành khẩn khai báo, hối hận với hành vi của mình.
Theo Nguyễn Tú (TNO)