Dự hội thảo có bà Cao Thị Hồng Minh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó trưởng Ban tổ chức, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban kiểm tra Trung ương Hội; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; cán bộ Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: công tác tập hợp, thu hút phụ nữ, phát triển hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
Hiện toàn tỉnh có 327.074 hội viên/460.458 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (đạt 71%). Trong đó có 142.600 hội viên người dân tộc thiểu số và 65.611 hội viên có tôn giáo. Hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại 1.576 chi hội thuộc 220 Hội LHPN xã, phường, thị trấn.
Công tác tập hợp, thu hút hội viên vào tổ chức hội có sự chênh lệch, có địa phương tỷ lệ này đạt 92%, nhưng có nơi chỉ đạt 60%.
Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2026) đề ra đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh tăng thêm 16.500 hội viên; mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, khó tập hợp ở địa phương; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn.
Tỷ lệ thu hút, tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội Phụ nữ của tỉnh Gia Lai là 71%. Ảnh: Minh Châu |
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá thực trạng công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay; đồng thời tìm nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác này để đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ đề ra. Ngoài ra, một số địa phương cũng chia sẻ những mô hình, cách làm hiệu quả gắn với những mô hình cụ thể.
Bà Cao Thị Hồng Minh cho rằng, trước đòi hỏi của công tác phát triển hội viên, các cấp Hội đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, một trong những giải pháp được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay là thí điểm tập hợp phụ nữ trên không gian mạng.
Bà Cao Thị Hồng Minh cũng gợi ý 1 số giải pháp để đại biểu tham khảo, như nâng cao chất lượng các kênh truyền thông đang có; khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng xã hội sẵn có, phổ biến hiện nay (zalo, facebook, tiktok...) để tăng lượng truy cập, tương tác của các phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung trên không gian mạng…