Nặng lòng với mùa… khoe giấy khen!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa… khoe giấy khen, bảng điểm, phần thưởng, huy chương lại về. Mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh lung linh về kết quả học tập của con trẻ cùng niềm vui của bậc sinh thành.

Hình ảnh giấy khen, thành tích cùng bảng điểm đẹp như mơ đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Hân hoan cùng bức tranh đa sắc màu trên không gian ảo bao nhiêu, lòng người lại trăn trở nỗi niềm cùng thực tại bấy nhiêu…

Từ năm học 2021- 2022, không còn danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. ẢNH MINH HỌA T.H

Từ năm học 2021- 2022, không còn danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. ẢNH MINH HỌA T.H

Những thực tế đau đáu

Đó là việc học sinh lên lớp ào ào rồi nhưng này nơi kia lại râm ran chuyện có em đọc chưa thông viết chưa thạo vẫn đẩy lên lớp trên cho khớp chỉ tiêu. Hay thỉnh thoảng truyền thông đưa tin câu chuyện phụ huynh xin cho con ở lại lớp để rèn giũa thêm nhưng không được chấp nhận.

Đó là cảnh tỷ lệ học sinh giỏi vẫn tăng đều. Giấy khen tràn lan khiến người ta cứ ngẫm nghĩ về cái thời mỗi lớp chỉ vài người được khen thưởng, vinh dự nhận giấy khen và tự hào sung sướng về thành tích học tập đạt được của những ngày xưa cũ.

Đó là cảnh học sinh mải mướt học thêm, học kèm, học trung tâm để luyện trước bài, gò đúng đề hòng đạt điểm cao trong các kỳ thi. Từ học thêm để bổ sung lẫn nâng cao kiến thức biến tướng thành nạn dạy thêm tràn lan vẫn là câu chuyện chưa bao giờ vơi bức xúc trong dư luận.

Đó là cảnh đề cương ôn tập biên soạn chi li đến từng gạch đầu dòng phát đều đến tay người học hòng lấy trọn vẹn điểm số trong đáp án. Khát vọng dạy học phát triển năng lực và phẩm chất cùng với lời hô hào đổi mới kiểm tra đánh giá không hiện diện ở những đề cương ôn tập chi chít chữ, trò ê a học thuộc lòng và vào phòng thi chép lại như những con vẹt.

Thành tích ảo đe dọa chất lượng giáo dục

Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo đang khởi động đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó sự thiếu trung thực là một lực cản không hề nhỏ cho nỗ lực “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Thành tích ảo đang làm đau lòng người thầy đứng lớp khi không thể thăng hoa cùng bài giảng một cách sáng tạo, chẳng thể đổi mới phương pháp dạy học một cách thoải mái, chưa thể kiểm tra và đánh giá người học một cách khách quan, công bằng, minh bạch. Bởi những ràng buộc vô hình về chỉ tiêu chất lượng buộc người thầy phải dạy thế nào để trò đạt điểm cao khi thi cử, đạt danh hiệu mong muốn.

Thành tích ảo đang khiến người học ít nhiều sóng sánh niềm tin vào chất lượng giáo dục. Thử ngẫm mà xem, bản thân học và thi thế nào, trò phải tường tận. Thế rồi có những con điểm đẹp, những đánh giá quá tròn trịa xuất hiện. Phải chăng trong tâm thức bọn trẻ sẽ manh nha ý nghĩ học hành làng nhàng rồi cũng lên lớp. Điều này quả thật nguy hại!

Thành tích ảo đang khiến phụ huynh lầm tưởng về lực học của con, đặt mục tiêu sai lệch về trường chuyên, lớp chọn. Thế nên mỗi năm lại chứng kiến cú sốc điểm số trong thi tuyển lớp 10 ở khắp các tỉnh thành và ta thấm thía hơn về khoảng cách thực sự xa vời giữa thành tích trong nhà trường với điểm số thi tuyển sinh.

Bao giờ cả xã hội quyết liệt thực hiện chủ trương “học thật, thi thật, nhân tài thật” từ mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ bằng cách chấp nhận năng lực thực tế của trẻ, bằng lòng với chất lượng giáo dục thực tế trong trường phổ thông?

Phụ huynh đừng xem điểm số là thước đo năng lực của con em mình

Có 38 năm là giáo viên giảng dạy cấp THCS, xin chia sẻ cùng phụ huynh để thấu hiểu hơn vì sao cuối năm thường xảy ra hiện tượng lạm phát giấy khen, học sinh giỏi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 (cũ) những năm trước đây.

Từ năm học 2021- 2022, không còn danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: N.V.L

Từ năm học 2021- 2022, không còn danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: N.V.L

Có nhiều nguyên nhân khiến xảy ra việc lạm phát giấy khen. Học sinh giỏi nhiều xuất phát từ bệnh thành tích trong giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm muốn lớp có nhiều học sinh giỏi để được ban giám hiệu khen là dạy giỏi, tay nghề vững, tâm huyết, trách nhiệm, năng lực và cũng là tiêu chí xét thi đua cuối năm về chất lượng bộ môn.

Để đạt chỉ tiêu về chất lượng bộ môn do mình giảng dạy, nhiều học sinh giỏi, giáo viên bộ môn thường cho điểm "nhẹ tay". Còn nhà trường thì luôn muốn có nhiều học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại danh hiệu của trường.

Ngoài ra, góp phần tăng số lượng ngày càng nhiều học sinh giỏi còn là quy chế đánh giá, xếp loại theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT58/2011, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT áp dụng đối với lớp 9 và 12 năm học 2023-2024.

Cụ thể Điều 13 tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học quy định học sinh đạt loại giỏi nếu có đủ các tiêu chuẩn sau: Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại đạt. Do tính điểm trung bình các môn nên nhiều học sinh chỉ cần siêng học bài các môn sử, địa, giáo dục công dân, sinh, công nghệ để bù cho những môn khó như toán, văn, ngoại ngữ là đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên để đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Về phía học sinh, tuy không phải tất cả, song nhiều em bằng nhiều cách khác nhau đã thiếu trung thực trong kiểm tra để có được điểm số cao, đối phó với thầy cô, cha mẹ. Khi coi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, tôi đã phát hiện rất nhiều học sinh với đủ hình thức quay cóp bài trong giờ kiểm tra, nhiều em dùng điện thoại chụp tài liệu để sử dụng rất tinh vi. Nếu không phát hiện thì điểm 9, 10 là nắm chắc, nên phụ huynh đừng xem điểm số là thước đo năng lực của con em mình.

Từ năm học 2021-2022, việc áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 6 trong việc nhận xét, đánh giá xếp loại, xét danh hiệu học sinh được dư luận xã hội quan tâm nhiều bởi những điểm mới tiến bộ, tích cực, nhân văn. Cụ thể việc đánh giá xếp loại học sinh về học tập và rèn luyện theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt và chỉ còn khen thưởng danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi. Bỏ cách tính điểm trung bình các môn học; Không còn xếp loại hạnh kiểm: Tốt, khá, trung bình, yếu; Học lực: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém; Bỏ khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến.

Vì vậy tình trạng giấy khen tràn lan đã được chấm dứt với các lớp học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (lớp 6, 7, 8, 10, 11) bắt đầu từ năm học 2021- 2022. Thực tế qua 3 năm áp dụng Thông tư 22 đã hạn chế việc khen tràn lan, hạn chế lạm phát giấy khen và được phụ huynh học sinh ủng hộ, khen thưởng đi vào thực chất.

Có thể bạn quan tâm

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Ảnh: Internet

Trút giận vào đâu?

(GLO)- Tại Hà Nội vừa xuất hiện một dịch vụ mới lạ được nhiều người tìm đến, nhất là giới trẻ, đó là “dịch vụ trút giận”. Dịch vụ này cho phép người đăng ký được tự do đập phá nhiều thứ để giải tỏa cơn giận nhất thời.