Ông Hyang (bìa trái) thường xuyên thăm hỏi các hộ dân trong làng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Ảnh: R.H |
Sau khi thôi đảm nhiệm Trưởng thôn Ia Mút, từ tháng 1-2024 đến nay, ông Hyang được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận của làng. Ở cương vị này, ông cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào, cuộc vận động của địa phương phát động.Đặc biệt, ông chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng trong đời sống hàng ngày của người dân để tìm phương án tháo gỡ, nhất là hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng. Với ông, hòa giải thành công các vụ việc không chỉ hàn gắn tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Mới đây, ông Hyang phối hợp với tổ hòa giải làng Nhing (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) hòa thành công 1 vụ tranh chấp đất đai giữa 2 hộ dân của 2 làng.Cụ thể, ông Vơr (làng Ia Mút) và ông Ayur (làng Nhing) có ruộng lúa liền kề tại cánh đồng ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), mỗi hộ có 1 sào ruộng. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác khiến cho bờ ruộng 2 hộ này trở nên méo mó và không thẳng như trước. Giữa ông Vơr và ông Ayur xảy ra tranh chấp, mỗi bên đều đưa ra lý do bên kia lấn đất của mình.
Tiếp nhận vụ việc, ông phối hợp cùng tổ hòa giải 2 làng tiến hành gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân.“Trên cơ sở nội dung vụ việc, tôi phân tích các quy định của pháp luật có liên quan kết hợp với kiểm tra, đo đạc diện tích của phần đất mỗi bên thực tế đang quản lý, sử dụng. Sau khi phân định đúng diện tích, tôi tiến hành cắm mốc, giăng dây cho 2 bên đắp bờ cho thẳng và lập biên bản thỏa thuận, hòa giải thành vụ việc. Đến nay, 2 hộ dân này yên tâm canh tác và không còn xảy ra tranh chấp nữa”-ông Hyang nhớ lại.
Ông Hyang (bìa phải) tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả của tảo hôn. Ảnh: R.H |
Không chỉ tâm huyết trong công tác hòa giải, ông Hyang còn tích cực xóa bỏ tập tục về tảo hôn trong đời sống của cộng đồng. Theo ông Hyang, trước đây, vì muốn con cái yên bề gia thất và có thêm lao động phụ giúp bố mẹ nên một số hộ gia đình trong làng đã dựng vợ, gả chồng sớm cho con cái khi chưa đủ tuổi theo quy định.
Để đẩy lùi nạn tảo hôn ra khỏi cộng đồng, cùng với tuyên truyền thông qua các buổi họp làng, ông còn thường xuyên đến tận nhà người dân có con em ở lứa tuổi học sinh để phân tích, giải thích về hậu quả của tảo hôn. Ông cũng đưa ra các căn cứ pháp luật quy định nếu vi phạm sẽ bị xử lý để người dân nắm bắt, hiểu rõ.“Làng Ia Mút có 224 hộ với 966 khẩu, trong đó phần lớn là trong độ tuổi đi học. Để các cháu hiểu rõ, tôi cũng phối hợp với Chi đoàn thanh niên làng tuyên truyền, nhắc nhở các cháu phải chăm lo học hành để hiểu biết, có kiến thức hơn nữa giúp ổn định công việc sau này. Từ đầu năm đến nay, tôi đã can thiệp và dừng việc kết hôn khi chưa đủ tuổi đối với 1 trường hợp trong làng”-ông Hyang bày tỏ.
Trao đổi với P.V, ông Y Amanh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Bầu-đánh giá: Trong vai trò trước đây là trưởng thôn và hiện tại là Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Ia Mút, ông Hyang đã tuyên truyền, vận động và đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; vận động người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động tại địa phương, xóa bỏ tập tục lạc hậu, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.“Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, xã tiếp nhận, hòa giải thành 4/4 vụ việc, kết quả này có sự góp công của ông Hyang”-ông Y Amanh cho biết thêm.