Chư Pưh phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Những năm qua, nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Rmah H’En (Plei Lao, thị trấn Nhơn Hòa) là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng hiệu quả tín dụng chính sách. Trước đây, dù phải lo 7 miệng ăn trong gia đình nhưng 2 vợ chồng chị H’En chỉ có trong tay 4 sào đất trồng mì và 2 sào lúa nước. Từ đó nguồn thu nhậpbấp bênh, để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học, 2 vợ chồng chị phải đi làm thuê khắp nơi với đủ việc nặng, nhẹ.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà đời sống của gia đình chị H'En hiện nay đã ổn định hơn. Ảnh: Quang Tấn

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà đời sống của gia đình chị H'En hiện nay đã ổn định hơn. Ảnh: Quang Tấn

“Không có nhiều đất sản xuất, trong khi cây lúa, cây mì thì khá bấp bênh nên năm nào cũng thiếu trước, hụt sau. Dù vợ chồng mình đã chịu khó đi làm thuê khắp nơi nhưng cũng chỉ đủ trang trải bữa ăn hàng ngày, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi”-chị H’En chia sẻ.

Năm 2022, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị H’En tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền vay là 60 triệu đồng, vợ chồng chị H’En quyết định mua 6 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng, phòng trừ dịch bệnh cũng như chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của người dân trong làng nên đàn bò của gia đình chị phát triển khá tốt.

Chị H’En phấn khởi: “Hiện đàn bò của mình đã phát triển được 10 con và đã mua thêm 3 sào đất trồng mì. Bên cạnh đó, mình tận dụng phân bò để bón cho 2 sào ruộng và rẫy mì 7 sào nên năng suất, sản lượng đều tăng”.

Tương tự, gia đình chị Siu H’Num (làng Kênh Săn, xã Ia Le) trước đây là hộ nghèo của xã do thiếu đất và vốn sản xuất. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình chị H’Num đã vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển chăn nuôi. Từ 3 con bò sinh sản ban đầu, nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc đến nay đàn bò đã phát triển lên 6 con. Cùng với đó, được sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc 4 sào cà phê, nhất là tận dụng nguồn phân bò sẵn có để chăm bón cho cây trồng nên thu nhập của gia đình chị trong năm 2023 đã tăng lên đáng kể.

Chị Siu H’Num tâm sự: “Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống hiện nay của gia đình mình đã được cải thiện đáng kể, không phải chật vật chạy lo từng bữa ăn như trước nữa. Mình không chỉ tích lũy được vốn để tái đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế mà còn có điều kiện để lo cho các con đến trường học chữ. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều, 2 vợ chồng mình hứa sẽ cố gắng làm ăn, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế”.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh luôn đồng hành, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đồng thời, tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác nguồn vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, duy trì hoạt động tại các điểm giao dịch ở trụ sở UBND các xã, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng hoạt động hiệu quả, tỷ lệ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi tại các điểm giao dịch luôn đạt tỷ lệ cao.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Quang Tấn

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Quang Tấn

Chị KPă H’Thứi-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn (làng Hair Dong, thị trấn Nhơn Hòa) cho hay: “Sau khi Ngân hàng Chính sách Xã hội phân bổ định mức vay cho làng hàng năm, làng sẽ họp bình xét và giải ngân theo đúng quy định. Đồng thời, ban nhân dân thôn, các đoàn thể trong làng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Qua đó từng bước giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Khắc Lê-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: Tính đến cuối tháng 2, tổng dư nợ trên toàn địa bàn huyện 379,795 tỷ đồng, tăng hơn 5,2 tỷ đồng so với đầu năm 2023, với hơn 9.355 khách hàng vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo hơn 56,8 tỷ đồng với 1.351 hộ vay; chương trình cho vay hộ cận nghèo hơn 76,75 tỷ đồng với 1.884 hộ vay; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 61 tỷ đồng với 1.608 hộ vay… Hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích và hiệu quả.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chính sách tín dụng ưu đãi để người dân biết, mạnh dạn vay vốn. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của huyện triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

Đồng thời, làm tốt công tác bình xét cho vay, công khai, dân chủ, đúng đối tượng; hướng dẫn cụ thể các thủ tục vay vốn; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương”-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.