(GLO)- Ngày 10-7, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn; UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ; đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết và tiến hành bế mạc kỳ họp.
Chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã An Khê) nêu câu hỏi: “Từ khi hoạt động đến nay, Nhà máy Đường An Khê liên tục có những sai phạm về môi trường. Vậy trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) như thế nào trong việc để xảy ra các sai phạm trên? Trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào để chấm dứt các hoạt động gây ô nhiễm môi trường của nhà máy này?”. Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Kiều Hạnh, Giám đốc Sở TN-MT Phạm Duy Du thông tin: Hàng năm, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch kiểm tra về xử lý môi trường các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nhà máy thải ra môi trường sông Ba, đặc biệt là Nhà máy Đường An Khê. Từ năm 2016 đến 2018, Sở đã phối hợp với chính quyền thị xã An Khê và các ngành liên quan tổ chức các buổi kiểm tra đột xuất và định kỳ, quá trình kiểm tra không phát hiện sai phạm nào. “Tuy nhiên, trong đầu năm 2019, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy xảy ra sự cố vỡ đường ống, gây ô nhiễm môi trường khu vực sông Ba. Qua kiểm tra, xét mức độ vi phạm, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 468 triệu đồng. Hiện Nhà máy đã tiến hành nộp phạt và khắc phục”-Giám đốc Sở TN-MT cho biết.
|
Đại biểu Nguyễn Trung Kiên-Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Không khí hội trường “nóng” dần lên khi đại biểu Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Vì sao lúc đầu yêu cầu xử phạt 1,5 tỷ đồng nhưng sau lại xử phạt có 468 triệu đồng đối với vi phạm của Nhà máy đường An Khê vào đầu năm 2019? Vậy ai yêu cầu xử phạt 1,5 tỷ đồng và cơ sở ra xử phạt 468 triệu đồng? Về nội dung này, Giám đốc Sở TN-MT giải trình: “Trước đây, khi phát hiện nhà máy vi phạm thì các ngành cùng nghiên cứu, đề xuất. Theo đó, UBND thị xã An Khê yêu cầu với vi phạm như thế thì phải xử phạt 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở kiểm tra việc vi phạm của nhà máy và căn cứ vào các quy định, điều luật về những sai phạm gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Đường An Khê thì chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 468 triệu đồng”.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê-cho rằng: Căn cứ để thị xã An Khê đề xuất UBND tỉnh xử phạt là trên cơ sở các mẫu đã được gửi đi kiểm nghiệm và đối chiếu với các điều khoản quy định xử phạt hành chính về vi phạm môi trường. Còn việc có độ chênh lệch như vậy là do sự không thống nhất giữa các ngành về lượng nước xả thải lớn hơn so với đánh giá. Chúng tôi vẫn bảo vệ văn bản của mình. Còn các điều khoản cụ thể mà UBND thị xã đề xuất xử phạt số tiền 1,5 tỷ đồng thì Tổ đại biểu An Khê sẽ gửi lại Thường trực HĐND tỉnh sau. Với trách nhiệm là Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định, thị xã luôn hoan nghênh các nhà đầu tư đầu tư vào địa phương; nhưng việc triển khai các dự án phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là về môi trường.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm tại kỳ họp lần này là một số dự án trên địa bàn tỉnh triển khai chậm. Đại biểu Nguyễn Trung Kiên-Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn: “Một số dự án trên địa bàn tỉnh hiện triển khai quá chậm, ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong vùng dự án. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư như thế nào trong việc này? Giải pháp của ngành trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án?”.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hồ Phước Thành lý giải: “Trong thời gian qua, tỉnh ta được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều dự án đang triển khai chậm tiến độ, vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do khâu giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra sự chậm trễ này. Đúng là trước đây, Sở có chậm trễ trong công tác tham mưu để UBND tỉnh tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhưng từ năm 2018 đến nay, Sở đã kịp thời tham mưu, báo cáo theo từng quý, từng tháng, từng tuần về tình hình vướng mắc của các dự án cho UBND; và trong việc báo cáo này có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương để cùng phối hợp tháo gỡ. Việc này đã giúp các dự án phần nào đẩy nhanh tiến độ”.
Chỉ đạo về việc đẩy nhanh các dự án triển khai chậm, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Trách nhiệm của các sở, ngành trong công tác này chưa thực sự được phát huy. Chúng ta cần rút kinh nghiệm, tập trung tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, với mục đích chung là tạo điều kiện cho kinh tế tỉnh nhà phát triển”.
Thông qua 29 nghị quyết quan trọng
Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung rà soát, khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch.
|
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các quyết nghị tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
“Thời gian tới, tỉnh cần tập trung đẩy nhanh các điều kiện cho các dự án được triển khai thực hiện; tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành các khu lâm nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo chuyển biến mạnh trong phát triển, liên kết, kết nối giữa sản xuất-chế biến-kinh doanh. Áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến...”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.
Trước khi kết thúc kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2019, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP đạt 8,1-8,2%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 49,78- 49,83 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 4.905 tỷ đồng trở lên (kế hoạch phấn đấu đạt 5.000 tỷ đồng trở lên); 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD; lao động qua đào tạo, được tạo việc làm mới đạt theo kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,84%.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang khẳng định: “Một trong những nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm trong kỳ họp là nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, trả lời các kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh tại kỳ họp. Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn. Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề mà đại biểu đề cập, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời giao Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn. Tại kỳ họp, đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực bổ sung vào các báo cáo, tờ trình và xây dựng hoàn chỉnh 29 dự thảo nghị quyết”.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung thực hiện như: tiếp tục phát huy sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thống kê, rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là công trình mới triển khai trong năm 2019; tập trung vốn hoàn thành các công trình chuyển tiếp, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, sớm giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Chủ động đề ra các giải pháp để khắc phục mưa bão sắp đến, phòng-chống và khắc phục kịp thời dịch bệnh xảy ra trên địa bàn...
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI đã hoàn thành chương trình đề ra, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng và thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí thông qua 29/32 nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Các nghị quyết chưa được thông qua tại kỳ họp lần này gồm: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị quyết số 123/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 của HĐND tỉnh quy định mức chi đối với một số nội dung chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức chi công tác theo dõi, đánh giá bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; kiểm tra, đánh giá chất lượng nước tại hộ gia đình vùng nguồn nước bị ô nhiễm giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định đối tượng khách trong nước được mời cơm áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh. |
Dung Tấn