Tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay (9-7), các đại biểu tiếp tục với phiên thảo luận tổ về các nội dung trọng tâm của kỳ họp; đóng góp ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình.
Bàn về hỗ trợ đầu tư du lịch cộng đồng
Về các tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp, các đại biểu thống nhất cao với nội dung, tuy nhiên, phần lớn các đại biểu dành nhiều thời gian nói về tờ trình số 1457/TTr-UBND ngày 28-6-2019 về đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều đại biểu cho rằng, trong điều kiện thực tế về phát triển du lịch của tỉnh ta thì việc tập trung đầu tư phát triển đu lịch sinh thái và du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng để khai thác tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú, từng bước thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh là rất cần thiết. 
Quang cảnh thảo luận tổ tại Tổ 6. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh thảo luận tổ tại Tổ 6. Ảnh: Đức Thụy
Theo đại biểu Đặng Phan Chung- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thì quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng tạo điều điện thuận lợi để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước trực tiếp đầu tư xây dựng, kinh doanh phát triển du lịch, tham gia vào hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai, góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển. “Cần cụ thể hơn trong Điều 6 của tờ trình này về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, đảm bảo mục đích trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên của địa phương để phục vụ khách du lịch”- đại biểu Đặng Phan Chung, nhấn mạnh. Cũng bàn về tờ trình này, đại biểu Đinh Ly An- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, góp ý: “Đối với tờ trình về Du lịch cộng đồng cần cụ thể hơn với các tiêu chí, quy định cũng như mức hỗ trợ đối với người dân; đồng thời nói rõ các hoạt động cụ thể trong thực hiện các mô hình du lịch cộng đồng”. 
Cũng băn khoăn về tờ trình này, đại biểu Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa, cho rằng: Quy định về đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ thì tôi đề nghị nên xác định rõ vấn đề này. Chúng ta đã quy hoạch phát triển du lịch rồi thì vấn đề homestay hay vấn đề gì cũng phải nằm trong tổng thể du lịch. Và trong quy hoạch tổng thể đó, khu vực nào quy hoạch phát triển homestay thì phải xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch cụ thể trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, có hộ dân nào nằm trong quy hoạch, đề án thì hộ đó thực hiện.
Đại biểu Võ Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Võ Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy
Ngoài ra, tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về các tờ trình liên quan đến cơ chế, chính sách của trên các lĩnh vực như: Tờ trình số 1334/TTr-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Tờ trình số 1217/TTr-UBND ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh về việc thông qua danh mục các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phát sinh; Tờ trình số 1292/TTr-UBND ngày 13/6/2019 của UBND tỉnh về việc quy định quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai...
Nhiều vấn đề “nóng” tiếp tục được bàn luận
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng nêu lên nhiều bất cập, khó khăn cũng như đề xuất nhiều kiến nghị đối với các vấn đề công tác đào tạo nguồn cán bộ DTTS. Theo các đại biểu, việc này phải được quan tâm thực hiện từ có chế độ hỗ trợ các em DTTS ngay từ cấp 2, cấp 3 và lên cả đại học, đặc biệt là công tác tuyển dụng, tổ chức thi tuyển công chức, viên chức cũng cần được tính toán cho phù hợp giữa người DTTS và người kinh, làm sao để đảm bảo số lượng cán bộ công chức, viên chức theo đúng chỉ tiêu tỉnh đã đề ra. Đại biểu Ngô Khắc Ngọc- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy Đăk Pơ, cho rằng: “Tôi thấy các em học sinh DTTS học đến lớp 9 nghỉ ở nhà hoặc đi học nghề. Tôi đề nghị chúng ta có cơ chế hỗ trợ cho các em học lên cấp 3, lên Đại học. Như vậy sẽ tạo nguồn tuyển dụng dồi dào”. Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Ly An- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị: “Chúng ta cần có một cơ chế về tuyển dụng phù hợp cho con em người DTTS để tham gia công tác tại chỗ. Làm sao để tạo ra nguồn cán bộ là người DTTS đông đảo hơn, đa dạng hơn trong các lĩnh vực với trình độ ngày càng được nâng cao...”.
Đại biểu Bùi Viết Hội-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, cho rằng cần rà soát lại việc quy hoạch 3 loại rừng. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Bùi Viết Hội-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, cho rằng cần rà soát lại việc quy hoạch 3 loại rừng. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Bùi Viết Hội-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, nêu rõ: Khi chúng ta tiến hành điều tra, quy hoạch lại 3 loại rừng để ban hành Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 thì quá trình thực hiện công tác này của chúng ta quá vội vàng và chưa khoa học nên chất lượng không cao, số liệu không chính xác. Do đó, khi thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng, rồi giải quyết những vấn đề theo Luật đất đai theo Nghị quyết 100/NQ-HĐND gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Bùi Viết Hội đề nghị nên chăng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nghiên cứu, báo cáo cấp ủy, Thường trực HĐND để có chủ trương rà soát lại việc quy hoạch 3 loại rừng này, nhằm đảm bảo tính chính xác, phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo tốt hơn trong triển khai thu hồi đất rừng để chuyển sang trồng rừng. 
Đối với vấn đề thu hồi đất để trồng rừng, đại biểu Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa, nhận định: Đối với vấn đề thu hồi đất để trồng rừng thì tôi đề nghị tỉnh nên chỉ đạo việc này hết sức thận trọng. Việc thu hồi đất rừng bị người dân lấn chiếm, chủ yếu là người dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn, hầu như dựa vào thu nhập từ các loại cây trồng ngắn ngày trên đất lâm nghiệp. Do đó, khi vận động người dân chuyển sang trồng rừng thì họ chưa đồng thuận vì sợ chuyển sang trồng rừng thì hàng năm không có thu nhập khác trong khi trồng rừng thì 5 đến 7 năm sau mới cho thu hoạch. Vì vậy, tôi đề nghị song song với việc vận động bà con trồng rừng thì cần có thêm những chính sách hỗ trợ bổ sung để giải quyết đời sống hàng ngày cho người dân. Đồng thời, tỉnh cũng cần tính toán đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm rừng trồng, nhất là cần quy hoạch, đầu tư các nhà máy chế biến để đảm bảo đầu ra cho rừng sản xuất của bà con sau này. 
Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường. Ảnh: Đức Thụy
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất nhiều vấn đề khác như: đề nghị UBND tỉnh cần có quy định, chủ trương cụ thể đối với việc hỗ trợ cũng như quy chuẩn về xây dựng đường giao thông nội đồng; vấn đề xử lý tín dụng đen trong vùng đồng bào DTTS; tội phạm ma túy có tính chất manh động... 
Chiều nay, kỳ họp tiến hành phiên thảo luận chung tại Hội trường và nghe Thu ký Kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ. Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Dung Tấn

Có thể bạn quan tâm