Nâng tầm đặc sản khoai lang Lệ Cần

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giống khoai lang Lệ Cần (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) ngon nức tiếng, từng được xếp vào danh sách các món đặc sản tiến Vua, hiện đang gặp khó khăn trên thị trường. Vì thế, các ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp nâng tầm sản phẩm đặc trưng giúp khoai lang Lệ Cần vươn ra biển lớn.

Mất mùa, rớt giá

Ông Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình) được mệnh danh là “ông trùm” khoai lang Lệ Cần, mỗi năm ông trồng khoảng 30 ha. Tuy nhiên, năm nay, ông chỉ trồng 17 ha. Hiện gia đình ông đã thu hoạch khoảng 40% diện tích. Theo ông Trình, ước tính năng suất khoai vụ này chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha, trong khi các năm trước đều đạt 8-10 tấn/ha.

Ông Trình cũng là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình với 8 thành viên. Lĩnh vực hoạt động của HTX là sản xuất, cung ứng các sản phẩm liên quan đến khoai lang Lệ Cần. “Năm nay, HTX trồng khoảng 24,5 ha khoai lang Lệ Cần. Nhìn chung, năng suất các ruộng đều giảm khoảng 30-40%. Giá cũng giảm mạnh so với các năm trước”-ông Trình chia sẻ.

 Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình thu hoạch khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Lê Hòa
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình thu hoạch khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Lê Hòa


Theo ông Trình, năm ngoái, giá thương lái thu mua tại ruộng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg. Năm nay, đầu mùa giá 9 ngàn đồng/kg, nhưng sau đó giảm dần. Hiện tại, giá khoai lang tại ruộng còn 5-7 ngàn đồng/kg. Chi phí đầu tư, chăm sóc khoảng 30-35 triệu đồng/ha, nông dân làm khoai năm nay hòa vốn hoặc lãi rất ít.

Trong khi đó, ông Trương Minh Thắng-Chủ tịch UBND xã Tân Bình-thông tin: Năm nay, người dân trên địa bàn xã trồng khoảng 30 ha khoai lang Lệ Cần. “Thời tiết không thuận lợi khiến năng suất khoai lang đạt thấp so với các năm. Trung bình 1 ha vụ này cho năng suất chỉ 6-7 tấn, các vụ trước đạt 10-12 tấn”-ông Thắng cho biết.

Đề cập các nguyên nhân giá khoai lang giảm sâu so với các năm, ông Trình cho rằng: Do tác động bởi dịch Covid-19, kinh tế eo hẹp, sức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh khoai lang Lệ Cần, địa phương cũng trồng khoai lang Nhật Bản, nhưng thời tiết không thuận lợi khiến khoai lang Nhật Bản bị nhỏ củ, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu qua Trung Quốc. Vì thế, số khoai lang Nhật Bản này phải tìm cách tiêu thụ trong nước, nguồn cung vượt nên kéo giá khoai lang giảm mạnh, giá khoai lang Lệ Cần cũng giảm theo.

Tiếp sức cho sản phẩm đặc trưng

Thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ để phát triển khoai lang Lệ Cần. Trong đó, từ năm 2008-2012, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh thực hiện phục tráng giống khoai lang Lệ Cần thuần chủng. Tiếp đó, nhiều chương trình, dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tiếp sức cho sản phẩm đặc trưng này. Trong đó, phải kể đến nỗ lực để khoai lang Lệ Cần được chứng nhận sản phẩm OCOP  đạt 3 sao cấp tỉnh (năm 2019) và đạt chứng nhận VietGAP vào năm 2020.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Thời gian tới, cùng với nỗ lực để nâng cấp sản phẩm khoai lang Lệ Cần đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh, bên cạnh, địa phương sẽ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Đề án “Bảo hộ thương hiệu khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa”, hướng đến hình thành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đây sẽ là bước quan trọng góp phần gia tăng tính bảo hộ cho đặc sản khoai lang Lệ Cần. Và là nền tảng quan trọng để đặc sản khoai lang Lệ Cần bước ra thị trường rộng lớn hơn”.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình chăm sóc khoai lang Lệ Cần. Ảnh Lê Hòa
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình chăm sóc khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Lê Hòa


Đề cập khó khăn, áp lực đối với phát triển đặc sản khoai lang Lệ Cần, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết thêm: “Khó khăn nhất là quỹ đất canh tác. Bởi khoai lang đạt chất lượng tốt nhất khi canh tác ở xã Tân Bình hoặc một phạm vi nhỏ đồi đất đỏ thuộc các vùng lân cận. Đặc tính “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, trong khi quỹ đất mới gần như không còn”.

Phòng Nông nghiệp và PTNT đã định hướng nông dân nên chia nhỏ diện tích, trồng rải vụ nhằm hạn chế việc thu hoạch cùng một thời điểm, giảm áp lực tiêu thụ. Đồng thời, tập trung phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu từ khoai lang…

Nhằm tìm hướng đi cho khoai lang Lệ Cần, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình đã chế biến khoai lang thành nhiều sản phẩm khác nhau. Hiện có khoảng 6 sản phẩm được chế biến từ khoai lang Lệ Cần, gồm: miến, bột khoai lang chín, tinh bột khoai lang, sữa khoai lang, bánh tráng khoai lang, rượu khoai lang.

Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình cho rằng: Trong giai đoạn tới, HTX và nông dân rất cần sự hỗ trợ về công nghệ chế biến và kỹ năng tiếp thị sản phẩm.

“Hợp tác xã thường xuyên đưa sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu tại các triển lãm, hội chợ và các sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn rất cần định hướng, chiến lược tiếp thị để xây dựng được hệ thống chuỗi phân phối sản phẩm rộng lớn, nhất là quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân”-ông Trình bày tỏ.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.