(GLO)- Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) bắt đầu hành trình xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử, trong đó chú trọng các tiêu chí về y tế, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, xây dựng… nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đảm bảo các điều kiện
Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng, TP. Pleiku đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai kế hoạch xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho hay: “Việc xây dựng, triển khai Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết. Điều kiện kinh tế-xã hội, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin giúp thành phố có đủ cơ sở để triển khai xây dựng đô thị thông minh”.
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên |
Pleiku là trung tâm hành chính-kinh tế-xã hội của tỉnh, giàu tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, con người, cơ sở hạ tầng cũng như văn hóa. Với tốc độ phát triển khá nhanh, thành phố dần trở thành đô thị hiện đại, năng động. Quy hoạch dân cư đô thị khá đồng bộ, nhiều công trình công cộng, phúc lợi xã hội được xây dựng khang trang. Hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được chú trọng. Lĩnh vực giáo dục, y tế được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của TP. Pleiku đạt nhiều kết quả nổi bật. Hạ tầng công nghệ thông tin của TP. Pleiku cơ bản đáp ứng việc triển khai ứng dụng trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, rộng rãi và phát huy hiệu quả. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và các phần mềm: kế toán, quản lý tài sản công, quản lý tiền lương.
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố, cấp xã… Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và điều hành của các cơ sở giáo dục; lĩnh vực y tế.
“Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin ở một số lĩnh vực như: điều hành giao thông, an ninh trật tự, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị… không rõ nét, chưa tạo nhiều hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết.
Lấy người dân làm trung tâm
Đầu năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, bảo vệ môi trường bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, giám sát, quản lý phát triển đô thị. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thông-Trưởng phòng Nội vụ TP. Pleiku: “Việc xây dựng đô thị thông minh phải đảm bảo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả. Cùng với đó, đảm bảo người dân nhận thức đầy đủ lợi ích của đề án xây dựng đô thị thông minh và được đào tạo, hướng dẫn để tiếp cận các dịch vụ được thuận tiện”.
Cải cách hành chính đem lại nhiều thuận lợi cho cá nhân và tổ chức. Ảnh: Phương Linh |
|
Trong kế hoạch triển khai thực hiện đề án, TP. Pleiku đặt ra nhiều nhiệm vụ ngắn hạn đến năm 2021. Cụ thể, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát, điều phối xử lý các vấn đề liên quan; triển khai các hệ thống: quản lý chiếu sáng thông minh, phản ánh hiện trường, giám sát, quản lý giao thông thông minh, quản lý cây xanh đô thị, wifi công cộng, thu gom rác thải thông minh, quan trắc không khí, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch, định hướng để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hình thành các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, xây dựng đô thị thông minh.
Hiện tại, các đơn vị đã triển khai một số phần việc như: lắp điện năng lượng mặt trời, camera giám sát giao thông, an ninh trật tự ở một số tuyến đường chính, lắp wifi công cộng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết... bước đầu tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.
Việc triển khai đô thị thông minh là một quá trình đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần và lực lượng, sự đồng lòng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Pleiku. Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-nhận định: “Việc xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung, thành phố nói riêng. Theo đó, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực sẽ mở rộng thị trường, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Xây dựng đô thị thông minh sẽ làm cho Pleiku trở thành thành phố an toàn, môi trường quản lý tốt và các dịch vụ du lịch được hoàn thiện. Đồng thời, lãnh đạo các cấp sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả, tiết kiệm. Đặc biệt, công tác quản lý đô thị sẽ được thay đổi căn bản, đảm bảo phát triển bền vững. Tất cả góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.
PHƯƠNG LINH