Pleiku đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy bậc tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát huy năng lực học sinh ở bậc tiểu học, ngành Giáo dục TP. Pleiku đã đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong một buổi học của lớp 2/1, Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ), cô giáo chủ nhiệm Lưu Thị Thanh Loan và học sinh đã cùng nhau hòa mình vào các trò chơi học tập, hoạt động nhóm hay xem video qua màn hình ti vi, xem tranh ảnh…

Những hình thức tổ chức giáo dục này được cô Loan vận dụng một cách linh hoạt để học sinh được hoạt động nhiều hơn, kích thích óc sáng tạo, tư duy nhanh nhạy. Bên cạnh đó, các em còn được phát triển ngôn ngữ thông qua việc trao đổi nhóm, mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình.

“Em rất tự tin phát biểu trong các hoạt động của lớp. Các bài học được cô giáo giảng bằng hình ảnh phong phú, sống động, giúp chúng em nhanh hiểu và nhớ lâu hơn”-em Bùi Khánh Ngọc (học sinh lớp 2/1) chia sẻ.

mot-tiet-hoc-sinh-dong-cua-lop-2-1-truong-tieu-hoc-ho-tung-mau-xa-tan-son-anh-mai-ka.jpg
Một tiết học sinh động của lớp 2/1, Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: M.K

Cô Loan cho biết: “Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, giáo viên trong tổ chuyên môn đã không ngừng học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo phương tiện dạy học hiện đại như ti vi, máy chiếu; tạo hình ảnh sinh động, lồng ghép các video vào bài giảng nhằm lôi cuốn học sinh.

Giáo viên làm chủ kiến thức, bám sát vào các đối tượng học sinh cụ thể để truyền thụ. Với khả năng sư phạm vốn có cộng thêm được bồi dưỡng về kiến thức tin học, chúng tôi có thể thiết kế được bài giảng điện tử để tạo nên các tiết học hấp dẫn hơn lên lớp”.

1-co-giao-luu-thi-thanh-loan-van-dung-linh-hoat-cac-phuong-phap-giang-day-phu-hop-thuc-tien-de-hoc-sinh-duoc-kich-thich-oc-sang-tao-anh-mai-ka.jpg
Cô giáo Lưu Thị Thanh Loan vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy phù hợp thực tiễn để học sinh được kích thích óc sáng tạo. Ảnh: M.K

Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu có 15 lớp, tất cả đều được trang bị ti vi thông minh và máy chiếu để phục vụ việc dạy và học một cách linh hoạt, sáng tạo. Trên cơ sở đảm bảo mục tiêu của giáo dục tiểu học, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thực hành để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh.

“Nhà trường cũng điều chỉnh nội dung và yêu cầu các môn học một cách linh hoạt, đảm bảo phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo thời gian và kế hoạch dạy-học trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.

Đồng thời, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học kể cả trực tuyến và trực tiếp, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh, chú trọng việc nhận xét, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập”-Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Anh cho hay.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế), giáo viên đã linh hoạt vận dụng các hình thức dạy học, tổ chức trò chơi kết hợp với phát triển kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

Được trải nghiệm thông qua các bài tập, các em sẽ tự chiếm lĩnh kiến thức mới, vận dụng bài học để giải quyết các bài tập một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu ngay tại lớp. Đặc biệt, giáo viên đã ứng dụng các trò chơi hữu ích để kiểm tra bài, tạo hứng thú cho học sinh trong tiết học; qua đó giúp kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh dễ dàng, khoa học.

truong-tieu-hoc-nguyen-binh-khiem-phuong-yen-the-chu-dong-xay-dung-ke-hoach-day-hoc-phu-hop-voi-tinh-hinh-thuc-tien-cua-nha-truong-va-dia-phuonga-mk.jpg
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế) chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường và địa phương. Ảnh: M.K

Theo cô Mai Thị Thu Hiền-Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2024-2025, trường có 30 lớp với 1.118 học sinh. Nhà trường đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2024-2025 phù hợp với tình hình thực tiễn đội ngũ, cơ sở vật chất của đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng các hình thức giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học của học sinh; ứng dụng công nghệ số trong dạy và học; thực hiện dạy học gắn lý thuyết với thực hành, với di sản văn hóa.

Đồng thời, trường lồng ghép chương trình dạy và học hát dân ca thông qua giờ học âm nhạc, sinh hoạt câu lạc bộ; tích cực đưa các trò chơi dân gian vào giảng dạy môn Giáo dục thể chất; phát triển văn hóa đọc bằng cách khai thác sử dụng thư viện, phòng đọc của trường, thư viện lớp, thư viện di động sân trường, tổ chức các câu lạc bộ khoa học…

Năm học 2024-2025 là năm học thứ 5 triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện TP. Pleiku có 27 trường có học sinh tiểu học.

Các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo tổ, trường, cụm với nhiều chuyên đề như: tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với từng đơn vị; sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, điều chỉnh nội dung chương trình dạy học, soạn giảng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số...

Ngành Giáo dục thành phố cũng đã triển khai thực hiện thí điểm dạy học STEM ở 5 trường và chỉ đạo các trường tiếp tục nhân rộng nhằm tạo hứng thú, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, phát huy tính tích cực, sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Các trường cũng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; nhiều giáo viên thực hiện soạn giảng trên máy vi tính, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tích cực, hiệu quả. Đa số các đơn vị cũng đã trang bị màn hình ti vi kết nối internet tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong giảng dạy.

Ông Nguyễn Lương Bảy-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku-thông tin: “Phòng đã chỉ đạo các trường học tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức tốt các chuyên đề dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, cụm liên trường; chú trọng công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tăng cường chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học đảm bảo dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả”.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.