Phú Thiện tập trung sản xuất lúa Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2017-2018, UBND huyện Phú Thiện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, các xã, hợp tác xã tiếp tục hỗ trợ nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật… để nhân rộng cánh đồng lúa lớn 1 giống, hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Mặc cho tiết trời cuối năm se lạnh nhưng trên các cánh đồng ở vựa lúa Phú Thiện vẫn tấp nập người dân gieo sạ lúa. Đây là thời điểm bà con nông dân xuống giống đại trà. Còn diện tích gần 300 ha chân ruộng trũng hoặc gần sông, suối có thể chủ động được nước tưới ở xã Ia Hiao và một số xã dọc sông Ayun, bà con đã xuống giống từ 1 tháng trước, đến nay lúa đã lên xanh.

 

Nông dân tích cực làm đất xuống giống vụ Đông Xuân. Ảnh: Đ.P
Nông dân tích cực làm đất xuống giống vụ Đông Xuân. Ảnh: Đ.P

“Vụ Đông Xuân này, tôi trồng gần 1 ha lúa LH12 giống xác nhận. Đây là lúa giống đạt năng suất cao (8 tấn/ha) do Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ để chúng tôi trồng từ vụ mùa vừa qua”-ông Kpă Nhang (Plei Đáp, xã Ayun Hạ) phấn khởi nói.

Ông Lại Trung Truyền-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Ayun Hạ) cho hay: Khi nước hồ Ayun Hạ dẫn về tới ruộng, các xã viên trong HTX tập trung ra đồng để xuống giống cánh đồng lúa lớn gần 30 ha cho kịp thời vụ. Nhờ được tập huấn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc và trải qua 1 vụ mùa thí điểm đạt năng suất hơn 8 tấn/ha nên vụ Đông Xuân này, bà con xã viên rất tin tưởng, yên tâm nhân rộng cánh đồng lớn một giống lúa LH12.

Để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất Đông Xuân, ngay khi kết thúc vụ mùa 2017, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng, các xã, HTX tập trung nạo vét, tu sửa kênh mương nội đồng và gấp rút xây dựng thêm các đoạn kênh mương nội đồng mới; đồng thời, vận động người dân tổ chức thu gom, tiêu hủy các loại rác thải như: chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị bỏ lại trên đồng ruộng, lắng đọng trong lòng kênh mương. Huyện cũng khuyến khích một số HTX Nông nghiệp tổ chức cung ứng lúa giống và phân bón cho nông dân. “Hợp tác xã hợp đồng với các công ty sản xuất lúa giống và phân bón có uy tín để cung cấp cho nông dân với giá thấp hơn thị trường. Đồng thời, chúng tôi cam kết ưu tiên thu mua lúa ở cánh đồng lớn 1 giống giúp người dân khi thu hoạch”-ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake), cho hay.

Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, vụ Đông Xuân này, huyện tiếp tục hỗ trợ 50% giống lúa xác nhận Nếp 87 cho nông dân thị trấn Phú Thiện và xã Chư A Thai trồng 60 ha tại 2 cánh đồng lớn; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các xã nhân rộng cánh đồng lúa lớn 1 giống áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” với nguồn lúa giống chất lượng, sạch bệnh. “Vụ Đông Xuân này, huyện thực hiện 21 cánh đồng lúa lớn 1 giống với tổng diện tích 780 ha tại tất cả 9 xã, thị trấn. Việc mở rộng trồng lúa trên cánh đồng lớn 1 giống giúp nông dân giảm chi phí rất nhiều, cụ thể lúa giống lúc trước gieo 20-22 kg/sào giờ chỉ gieo 13 kg/sào; sử dụng bộ lúa giống nguyên chủng hoặc xác nhận của các giống chủ lực gồm: LH12, TBR225, OM4900, Nếp 87, Ma Lâm 48… Đây là các loại giống lúa kháng bệnh, thân cứng khỏe, chống ngã đổ, năng suất cao, chất lượng tốt, cho hạt gạo thơm ngon, bán được giá. Bình quân cánh đồng lúa lớn cho lợi nhuận 30 triệu đồng/ha, cao hơn cách trồng cũ 7 triệu đồng/ha”-ông Quý cho hay.

Nhờ chủ động về nước tưới và nguồn lúa giống chất lượng, kết hợp với sự cần cù lao động vốn có và bề dày kinh nghiệm trồng lúa nước được tích lũy từ nhiều năm, bà con nông dân huyện Phú Thiện đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ Đông Xuân này.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.