Phú Thiện phát triển và nâng cao giá trị cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khuyến khích người dân trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.
Ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) kiểm tra vườn ổi đang kỳ thu hoạch của gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) kiểm tra vườn ổi đang kỳ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi
Phát huy lợi thế từ công trình thủy lợi, xã Ayun Hạ định hướng nông dân phát triển cây ăn quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, diện tích cây ăn quả của xã tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Tiêu biểu như mô hình trồng ổi của ông Đoàn Văn Thủy và Nguyễn Văn Vỹ (thôn Đoàn Kết), mô hình trồng xoài và bưởi của ông Lê Xuân Sót (Plei Ơi), mô hình trồng mít, na, bơ của ông Phạm Văn Nhiệm (thôn Thanh Thượng).
Sau 6 năm xuống giống, vườn cây ăn quả rộng 4,5 ha của ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết) đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đưa chúng tôi tham quan vườn cây, ông cho biết: Trước đây, ông trồng mì nhưng năng suất thấp, thu nhập chẳng được là bao. Năm 2013, sau nhiều lần tham quan tại các nhà vườn và được bạn bè tư vấn, ông đổ thêm một lớp đất màu để cải tạo vườn rồi trồng thử nghiệm 1.000 cây ổi Đài Loan.
Sau 2 năm, nhận thấy cây ổi phát triển tốt, ông trồng thêm 1.000 cây. Đến nay, 4,5 ha vườn được trồng 8.000 cây xoài, mít, chanh, bưởi da xanh, bơ… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông thu về gần 700 triệu đồng.
“Tôi mới đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho sản phẩm ổi Đài Loan nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất. Được UBND xã chỉ đạo, chúng tôi cũng thành lập Nông hội nhà vườn xã Ayun Hạ để chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ giống, kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ sản phẩm”-ông Thủy bộc bạch.
Nhờ ép ra hoa trái vụ, 2000 cây nhãn của gia đình ông Lại Quang Huấn (thôn Ia Chă Wău, xã Chư A Thai) hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ ép ra hoa trái vụ, 2000 cây nhãn của gia đình ông Lại Quang Huấn (thôn Ia Chă Wău, xã Chư A Thai) hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao. Ảnh: Vũ Chi
Tại xã Chư A Thai, ngoài 8 ha xoài Úc mới được trồng thì nhãn đang là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Ông Lại Quang Huấn (làng Ia Chă Wău) sở hữu trang trại rộng 11 ha, trong đó có 5 ha cây ăn quả gồm 200 cây xoài tượng và gần 2.000 cây nhãn. Năm 2016, giá mía giảm mạnh, ông đã chuyển đổi 1/2 diện tích sang trồng cây ăn quả. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây trồng ra hoa trái vụ. Hiện tại, khoảng 1.000 cây nhãn chuẩn bị cho thu hoạch.
“Nhờ không trùng với vụ thu hoạch chính nên thường bán giá cao. Mỗi năm, gia đình tôi thu về 800 triệu đồng. Con số này sẽ tăng lên trong những năm tới khi cây trồng phát triển thêm và cho thu hoạch”-ông Huấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huấn, trồng cây ăn quả phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, đặc biệt là giai đoạn đầu, tránh cây bị nhiễm bệnh. Ngoài sâu đục thân thì ruồi vàng gây hại trong thời kỳ ra quả cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng cây trồng. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, người dân phải kết hợp các biện pháp dân gian như sử dụng thuốc nhử ruồi để vừa diệt ruồi hiệu quả vừa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm.
Huyện Phú Thiện hiện có khoảng 348 ha cây ăn quả, trong đó tập trung nhiều ở các xã Ayun Hạ, Ia Peng, Chư A Thai… Các loại cây trồng chiếm ưu thế gồm: xoài, chanh, ổi, na dai, mít. Thực hiện Đề án phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả tăng lên khoảng 500 ha.
Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Tuy mới phát triển nhưng cây ăn quả đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Nhằm hỗ trợ người dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các ban, ngành, địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, hình thành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt mà phải tìm hiểu giống cây trồng có năng suất cao, đầu ra ổn định, khuyến khích người dân đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo quy trình sản xuất theo hướng VietGAP để tạo thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế”-ông Thành nhấn mạnh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.