Phú Thiện: Liên kết "4 nhà" trong sản xuất lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Phú Thiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo trên địa bàn. Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình đã giúp nâng cao giá trị hạt lúa, ổn định đầu ra sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.

Nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo

Huyện Phú Thiện có khoảng 6.608 ha đất trồng lúa nước, tuy nhiên việc sản xuất lúa còn hạn chế ở khâu liên kết gắn với đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Giá thành sản phẩm phụ thuộc vào thương lái nên không thể tránh khỏi tình trạng người trồng lúa bị ép giá. Để giúp nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa tiên tiến, vụ Đông Xuân năm 2020-2021, UBND huyện Phú Thiện đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho người dân 3 xã: Ia Sol, Ia Piar và Ia Yeng với tổng diện tích 47,3 ha lúa Đài Thơm 8.

Mô hình liên kết trong sản xuất lúa gạo góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Ảnh: Vũ Chi
Mô hình liên kết trong sản xuất lúa gạo góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Ảnh: Vũ Chi


Theo đó, các hộ tham gia mô hình được Tập đoàn Lộc Trời ứng trước 100% chi phí giống, phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật thông qua các hợp tác xã nông nghiệp và khấu trừ không tính lãi sau khi thu hoạch. Trong thời gian cây lúa sinh trưởng và phát triển, Tập đoàn cử 2 nhân viên kỹ thuật bám đồng, theo dõi, hướng dẫn bà con quy trình canh tác. Người dân tham gia mô hình phải tuân thủ đúng quy trình, hướng dẫn sản xuất của Tập đoàn. Trước 10 ngày thu hoạch, Tập đoàn phối hợp với hợp tác xã, hộ dân kiểm tra, đánh giá và thỏa thuận giá mua lúa theo giá thị trường hiện hành, thu mua lúa tươi tại ruộng ngay khi bà con thu hoạch. Qua đánh giá, năng suất lúa của các hộ dân tham gia liên kết đều đạt cao.  

Xã Ia Sol có 6 hộ tham gia mô hình với diện tích 6,5 ha. Hiện tại, các hộ đang bắt đầu thu hoạch lúa. Ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 2) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha tham gia mô hình liên kết. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời nên năng suất lúa đạt 11 tấn/ha, cao hơn trước đây khoảng 2 tấn/ha. Với giá thu mua của Tập đoàn hiện tại là 5.800 đồng/kg lúa tươi, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lời hơn 40 triệu đồng/ha.

Còn tại xã Ia Yeng có 5 hộ tham gia mô hình nhưng là địa phương có diện tích tham gia nhiều nhất với 28 ha. Các hộ đều rất phấn khởi khi năng suất lúa đạt cao và Tập đoàn thu mua theo giá thị trường. Ông Dương Văn Viễn (thôn Thống Nhất) bộc bạch: “Với 10 ha lúa tham gia liên kết, tôi vừa thu được gần 100 tấn lúa tươi, cao nhất từ trước tới nay. Sau khi khấu trừ các khoản đầu tư do Tập đoàn ứng trước, lợi nhuận đạt trên 37 triệu đồng/ha. Tôi giữ lại 10 bao lúa để ăn và biếu người quen. Ai cũng khen chất lượng cơm ngon, dẻo, thơm”.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay: Trong quá trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo vụ Đông Xuân 2020-2021, Tập đoàn Lộc Trời đã làm tốt công tác hỗ trợ người dân như cam kết ban đầu; còn các hộ tham gia đều tuân thủ đúng quy trình sản xuất mà nhân viên kỹ thuật hướng dẫn nên năng suất lúa đạt cao. Bình quân, năng suất đạt 9,5-11 tấn/ha. Chi phí sản xuất giảm 1-2 triệu đồng/ha nên lợi nhuận tăng 7-10 triệu đồng/ha. Bình quân 1 ha, người dân thu lời 35-40 triệu đồng.

Thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, lâu nay, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn luôn là bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy việc thúc đẩy liên kết “4 nhà” (nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp) đã giúp nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Thực tế cho thấy, lúa gạo sản xuất theo chuỗi liên kết đạt giá trị kinh tế cao hơn 10-20% so với sản xuất thông thường. Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2021, toàn huyện phấn đấu đạt 500 ha lúa tham gia mô hình liên kết.

Khi chuỗi lúa gạo đã hình thành không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng mà còn tháo gỡ khó khăn cho nông dân về chi phí sản xuất, đầu ra cho sản phẩm. Về mặt kỹ thuật, việc liên kết sản xuất lúa giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học kỹ thuật mới, giảm đáng kể lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó giúp nông dân tăng lợi nhuận, góp phần cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Người dân được thu mua lúa tươi tại ruộng, giảm công đoạn vận chuyển và phơi sấy.

Ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) kiểm tra diện tích lúa Đài Thơm 8 của gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) kiểm tra diện tích lúa Đài Thơm 8 của gia đình. Ảnh: Vũ Chi


Chia sẻ về thành công trong vụ lúa đầu tiên thực hiện liên kết sản xuất, ông Hiền tâm sự: Trước đây, bà con thường phải vay tiền bên ngoài để đầu tư sản xuất, dẫn đến tình trạng thường phải bán lúa non trả nợ hoặc bị ép giá, vì vậy lợi nhuận chẳng đáng là bao. Hiện tại, với mô hình liên kết, bà con được Tập đoàn ứng trước không tính lãi toàn bộ chi phí nên rất yên tâm sản xuất. Thay vì phải thăm đồng thường xuyên, phun thuốc hóa học ồ ạt, nay có nhân viên của Tập đoàn theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên vừa giảm chi phí vừa bảo vệ sức khỏe, năng suất lúa lại tăng cao. Từ hiệu quả thực tế, hiện tại, số hộ đăng ký tham gia liên kết trong vụ mùa năm 2021 tại xã Ia Sol đã vượt chỉ tiêu huyện giao. Hy vọng Tập đoàn sẽ trợ giá thêm cho bà con trong vụ sản xuất tới.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho hay: Việc thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa giữa Tập đoàn Lộc Trời và nông dân trên địa bàn huyện là hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và sử dụng giống mới có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương đã góp phần nâng cao năng suất lúa cũng như chất lượng hạt gạo Phú Thiện, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích.

“Mô hình liên kết là cầu nối giữa bà con nông dân với các doanh nghiệp trong việc triển khai khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình canh tác hiện đại, từng bước giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Đây là nền tảng vững chắc để tăng thu nhập cho người trồng lúa, nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường. Đồng thời, là tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện”-ông Tuấn khẳng định.

 

VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.