Phú Thiện cần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-5, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Phú Thiện về việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Cùng làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai.

Những kết quả bước đầu

Huyện Phú Thiện là trung tâm vựa lúa Ayun Hạ với tổng diện tích lúa nước hơn 6.000 ha. Cùng với đó, mía cũng khẳng định là cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích hơn 3.000 ha. Để phát huy lợi thế của đồng đất Phú Thiện, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế nhưng, năng suất không cao, giá trị cây trồng tính trên một đơn vị diện tích vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác tham quan cánh đồng mía lớn tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác tham quan cánh đồng mía lớn tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P

Để từng bước giải quyết vấn đề đó, từ năm 2016, huyện bắt đầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa. Theo báo cáo của Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành, Huyện ủy Phú Thiện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU xác định chỉ tiêu xây dựng cánh đồng lớn đối với cây lúa và cây mía trong vụ mùa năm 2017 và vụ Đông Xuân 2017-2018.

Trong vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện đã xây dựng được 16 cánh đồng lớn một giống trên cây lúa ở 8 xã với tổng diện tích là 628,2 ha, có 1.645 hộ dân tham gia (có 336 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 62 hộ nghèo và 67 hộ cận nghèo). Bà con nông dân sử dụng 5 loại giống gồm: OM4900, LH12, Nếp 97, ML 48 và TH6; áp dụng theo quy trình kỹ thuật “3 giảm-3 tăng”. Năng suất bình quân đạt 7,5-8 tấn/ha, tăng 1 tấn/ha so với cánh đồng sản xuất theo mô hình truyền thống.

Cũng trong vụ Đông Xuân vừa qua, huyện đã xây dựng 8 cánh đồng mía lớn tại 5 xã với tổng diện tích 180,75 ha. Đặc biệt, 2 cánh đồng mía lớn có 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Bà con sử dụng các giống mía: K88-92, K95-84, LK92-11, K94-2-4-83.

Để xây dựng cánh đồng lúa lớn, huyện đã xuất ngân sách gần 800 triệu đồng hỗ trợ 50% tiền lúa giống và tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Riêng cánh đồng mía lớn, huyện đã tạm ứng ngân sách 1 tỷ đồng xây dựng đường điện chính đến trung tâm cánh đồng mía ở Chư A Thai và 1 trạm điện hạ thế.

Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng đường điện, khoan giếng bơm tưới cho mía, san ủi cánh đồng, đầu tư ban đầu cho nông dân trồng mía.

Theo đánh giá bước đầu, các đánh đồng lớn trên cây lúa, cây mía là hướng đi đúng làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ manh mún của người dân, hướng đến sản xuất lớn theo chuỗi giá trị hàng hóa được người dân đồng tình hưởng ứng. Riêng cây lúa trong vụ Đông Xuân 2016-2017 vừa qua đạt năng suất 7,5-8 tấn/ha, cá biệt một vài cánh đồng đạt 8-8,5 tấn/ha. So với năng suất bình quân cả vụ Đông Xuân thì năng suất lúa trong cánh đồng mẫu lớn cao hơn khoảng 1 tấn/ha; nông dân thu nhập 35-40 triệu đồng/ha lúa.

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc

Huyện Phú Thiện đã ổn định diện tích lúa nước hai vụ hơn 6.000 ha trong hơn chục năm nay nhưng vẫn tồn tại nhiều loại giống. Huyện chưa xác định được bộ giống lúa chủ lực đáp ứng yêu cầu năng suất cao, chất lượng tốt, cho ra hạt gạo thơm ngon đáp ứng được thị trường tiêu thụ với giá trị cao. “Vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện trồng trên 600 ha lúa một giống, nhưng phải phụ thuộc vào nguồn lúa giống mua của các công ty bên ngoài. Vì vậy, huyện kiến nghị tỉnh nâng cấp Trạm Thực nghiệm giống để tự sản xuất, chủ động được nguồn giống lúa xác nhận cung cấp cho bà con gieo sạ kịp thời vụ”-Bí thư Huyện ủy Đỗ Ngọc Thành, nói.

Đến nay, việc xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía đã cho thấy tín hiệu tích cực. Dưới sự hỗ trợ tích cực của chính quyền cùng với Nhà máy Đường Ayun Pa, nông dân đã góp đất, bỏ công lao động, đưa cơ giới vào sản xuất và có được giống mía phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để hứa hẹn một phương thức làm ăn lớn mới hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là đường giao thông nội đồng vào các cánh đồng lớn vẫn chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa hỗ trợ cho việc cơ giới hóa trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, những cánh đồng mía có tưới nước thì năng suất đạt 100-120 tấn/ha; còn những nơi không được tưới thì chỉ có 65-70 tấn/ha; thậm chí trong vụ Đông Xuân vừa rồi do hạn nặng, cây mía không có nước tưới nên giảm năng suất 50%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu huyện và các sở, ngành nghiên cứu tìm nguồn vốn lồng ghép trong chương trình nông thôn mới để đầu tư, phát triển cánh đồng mẫu lớn. “Đầu tư cho cánh đồng mẫu lớn là để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, là thực hiện tiêu chí của xây dựng nông thôn mới”-Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nói.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu huyện Phú Thiện quan tâm tìm mô hình xây dựng hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và giải quyết đầu ra cho sản phẩm; liên kết với doanh nghiệp để ổn định giá cả đầu ra cho cây trồng. Xây dựng quy trình sản xuất có kiểm tra, hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. “Có như thế mới cho thấy được vai trò của Nhà nước trong việc đồng hành cùng nhà nông, xâu chuỗi, kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp với nhà nông”-Bí thư Tỉnh ủy nêu quan điểm.    

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo huyện Phú Thiện phát huy lợi thế của gần 400 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản; đồng thời, phát triển các vật nuôi khác để đa dạng hóa sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và ủng hộ huyện Phú Thiện xây dựng đề án quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với sản xuất của 4 làng Đồn là vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Chư A Thai. “Huyện nhanh chóng lập dự toán để tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí, phía huyện cũng phải bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân di dời nhà cửa và xây dựng đường điện, nước sinh hoạt… phục vụ đề án cho 4 làng vùng căn cứ cách mạng này”-Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Triển khai kế hoạch diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024

Triển khai kế hoạch diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024

(GLO)-

Chiều 18-7, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024 đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, ý định và giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo, cơ quan Ban Chỉ đạo. Đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập “ĐC-24” chủ trì hội nghị.