(GLO)- Mồ hôi, nước mắt và cả máu là những gì mà các phu đá phải đối mặt hàng ngày để tìm miếng cơm manh áo, để vật lộn với cuộc mưu sinh.
Ông Nguyễn Năm và phút thảnh thơi hiếm hoi bên căn chòi tạm của mình. Ảnh: L.V.N |
Nằm lẩn khuất sau những ngọn núi ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) là mỏ đá. Tôi không chắc rằng gọi mỏ đá là chính xác nhưng có lẽ cũng không còn khái niệm nào dành cho nơi ấy. Trên điểm cao của ngọn núi, những hòn đá tảng trơ ra sừng sững đang bị những thợ xẻ đá đục đẽo nham nhở. Bên cạnh những hòn đá đang bị “xẻ thịt” là la liệt những cục đá vuông thành sắc cạnh. Gần đó, những cục đá không được vuông vức cũng được xếp riêng thành một đống. “Đó là đống đá bị thải loại không đạt kích cỡ. Còng lưng ra đục đẽo cả ngày mà “thịt” đá không chắc, vỡ vụn ra phải bỏ như thế thì chỉ có nước khóc ròng vì người ta không mua, may mắn lắm có người lên mua đống đá vụn thì cũng bán với giá rẻ như cho thôi”-ông Trần Văn Nghiêm-một thợ xẻ đá cho biết.
Đó là tất cả những gì trong cái được gọi là mỏ đá. Cái “công trường” của hai phu đá chỉ gỏn gọn trong vài chục mét vuông như vậy nhưng cũng đủ khiến con người ta mệt nhoài. “Trước cũng có mấy anh em nữa nhưng làm không ăn thua nên họ về bỏ lại hai lão già nơi mỏ đá này đây”-ông Nguyễn Năm nói rồi quay sang cười hề hề với “đồng nghiệp” của mình. Hai người đàn ông năm nay đã bước sang tuổi 55 vốn là bạn chí cốt thời chăn trâu cắt cỏ tại vùng quê xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng như bao thanh niên khác trong vùng, đến cái tuổi “17 bẻ gãy sừng trâu”, ông Nghiêm và ông Năm đã biết cầm trên tay chiếc đục, cái búa lang bạt khắp nơi tìm mỏ đá. Cũng từ đó, đôi bàn tay của họ chai sạn rồi dần thô cứng như chính những… tảng đá.
Hơn 30 năm bán mặt cho đá, bán lưng cho trời, ông Năm đã kinh qua biết bao mỏ đá ở khắp các vùng từ Bắc chí Nam. Ông tâm sự: “Từ Thanh Hóa, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Vũng Tàu… ở đâu có đá “ngon” là chúng tôi đều đã đi cả. Cuộc đời của phu đá như chúng tôi chỉ quanh quẩn bên hòn đá, nhưng lại lang bạt khắp các vùng đất như những người du mục. Nhà cửa ở quê có đấy, nhưng vài tháng mới về một lần…”. Từng ấy mảnh đất là từng ấy nơi đã lưu giữ những giọt mồ hôi của ông. Ông chìa ra cho chúng tôi xem đôi bàn tay thô ráp, nhiều ngón bị dập nát vẫn đang rỉ máu phải dùng băng cá nhân băng lại. Thậm chí, có ngón tay cụt lủn một cách lạ thường mà những phu đá như ông vẫn thường ngậm ngùi nhủ rằng, đó là những ngón tay bị… đá “ăn”. “Nhiều đêm bàn tay đau nhói không ngủ được, nhưng sinh nghề tử nghiệp mà, sống bằng nghề đá thì cũng phải “trả” lại cho đá thôi”-ông Năm tâm sự.
Theo ông, cái nghề phu đá bạc như vôi. Mỗi ngày cầm đục cầm búa chan chát, bôm bốp vào từng tảng đá cũng là mỗi ngày phải đối mặt với… tử thần. Trong ký ức của ông vẫn còn in hằn những người bị đá đè gãy tay, gãy chân và thậm chí là bỏ mạng nơi mỏ đá. Nếu không may gặp phải những tảng đá có địa thế hiểm trở hoặc đá bị nứt từ trong ruột thì mọi tai họa đều có thể ập tới bất cứ lúc nào. Cũng theo ông Năm, mỗi ngày ông có thể xẻ được khoảng 30-40 viên đá kích cỡ 15 x 30 cm. Mỗi viên đá được mua tận nơi với giá 3,5-4 ngàn đồng. Nếu không may gặp phải những hòn đá bên trong bị “thối” thì cả ngày còng lưng đục đẽo coi như công cốc.
Chiều đến, khi mồ hôi đã ướt đẫm tấm áo, 2 người đàn ông nhỏ thó lại trở về chiếc chòi được thưng lên từ những tấm ván, tấm bạt tạm bợ. Căn chòi giữa rừng núi hoang vu chính là “đại bản doanh” của các phu đá nơi đây. Không có điện, họ phải dùng tấm pin năng lượng mặt trời để đêm đến thắp đèn chiếu sáng, sạc điện thoại và đủ để sạc pin cho chiếc radio cũ kỹ. Đêm đêm, từ trên điểm cao này những ánh đèn điện đủ sắc màu náo nhiệt của phố phường Ayun Pa hiện ra sinh động. Nhưng quanh chiếc chòi chỉ một màu đen đặc với những âm thanh của ếch nhái vang vọng… Nó vọng về nỗi nhớ quê hương khắc khoải trong tận sâu đáy lòng các phu đá.
Lê Văn Ngọc