
"Tôi yêu châu Âu và người dân ở đây", ông Vance trả lời trong cuộc phỏng vấn với trang tin UnHerd hôm 14/4, trong một phát biểu hiếm hoi mang tính tích cực về khối Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Tuy nhiên, phó tổng thống cũng cảnh báo việc các nước châu Âu trở thành "chư hầu" an ninh thường trực của Mỹ là điều không nên - nhấn mạnh lại những chỉ trích trước đây của ông về sự phụ thuộc của EU vào Washington trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
"Tôi không muốn các quốc gia châu Âu chỉ làm những gì mà người Mỹ bảo họ cần phải làm. Tôi không nghĩ điều đó là có lợi cho họ hay cho chúng tôi", ông nói.
Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, ông Vance đã gây chú ý khi lên án mạnh mẽ châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2. Phó tổng thống Mỹ khẳng định việc châu Âu có thể "tự chủ" hơn sẽ là điều tốt cho Washington - bởi như vậy sẽ cho phép các quốc gia này có thể "đứng lên" trước các quyết định về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tổng thống Mỹ D. Trump từng “dọa” rút khỏi NATO, yêu cầu các nước thành viên của tổ chức này tăng ngân sách quốc phòng lên. Ông cũng cho rằng EU phải tự làm mạnh mình lên, trước khi trông chờ vào sức mạnh của kẻ khác. Đặc biệt, ông có thể cắt giảm gói viện trợ cho Ukraine dưới thời ông Biden.
Một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm chững lại nỗ lực theo đuổi lệnh ngừng bắn của chính quyền Tổng thống Trump trong khi chờ các lô viện trợ quân sự từ thời chính quyền ông Biden cho Ukraine cạn kiệt.
Theo giới phân tích phương Tây, ông Putin đang tính toán thời cơ, hy vọng quân đội Ukraine sẽ sụp đổ trong bối cảnh không còn sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ.
Ngay cả khi Nga không thể mở rộng thêm nhiều lãnh thổ, Điện Kremlin vẫn sẵn sàng chờ đợi cho đến khi vị thế của Ukraine suy yếu nghiêm trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào về việc chấm dứt xung đột.
Trong bối cảnh thiếu vắng vai trò lãnh đạo từ phía Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã chủ động hơn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine những tháng gần đây. Các cuộc thảo luận của châu Âu về lực lượng đảm bảo hậu xung đột là cần thiết song cuộc giao tranh thực sự vẫn đang tiếp diễn và điều cấp bách là phải có kế hoạch ứng phó với việc nguồn viện trợ từ Mỹ sẽ không kéo dài.
Xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc trong khi viện trợ quân sự từ Mỹ đang dần khép lại. Trước tình hình đó, giới quan sát nhận định, để thay thế khoảng trống của Washington, châu Âu cần nhanh chóng triển khai các bước đi chiến lược nhằm giúp Ukraine trụ vững trước cơn bão đang tới gần.