Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 11-1, Ban chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến đến 17 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố tổng kết công tác bảo đảm vệ sinh ATTP năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh.

Nhiều cơ sở vi phạm ATTP

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh-cho biết: Hiện toàn tỉnh quản lý 118.634 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 511 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra 5.226 lượt cơ sở, phát hiện 347 cơ sở vi phạm, qua đó xử lý vi phạm hành chính 108 cơ sở với số tiền hơn 165,5 triệu đồng, nhắc nhở 239 cơ sở. Quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã thực hiện 55 test nhanh tại các cơ sở, kết quả 53/55 test âm tính. Các cơ quan: Chi cục ATTP tỉnh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, lực lượng Quản lý thị trường, lực lượng Cảnh sát môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt và đột xuất khi có sự chỉ đạo của cấp trên hoặc phản ánh của người dân.

Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm được triển khai theo quy định. Trong năm, toàn tỉnh ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 37 người mắc, 35 người đi viện và 1 người tử vong; 2/3 vụ tìm được căn nguyên ngộ độc thực phẩm. Số ca mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 2,46 ca, nằm trong kế hoạch của UBND tỉnh và Sở Y tế giao năm 2022 (7 ca/100.000 dân). So với cùng kỳ năm 2021, tình hình ngộ độc thực phẩm tăng cả về số vụ, số người mắc và người tử vong.

Quang cảnh hội nghị, Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như các văn bản quản lý nhà nước về ATTP giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cũng như các điều kiện liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Số lượng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và Tiêu chuẩn Quốc gia chưa đáp ứng đầy đủ đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm thông dụng trên thị trường. Một số địa phương, nhất là ở cấp xã vẫn chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã đã được kiện toàn, tuy nhiên, nhiều nơi hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về ATTP tuyến huyện, tuyến xã còn mỏng lại kiêm nhiệm nhiều việc nên không chuyên sâu, trình độ chuyên môn về ATTP còn hạn chế...

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Hội nghị đã ghi nhận một số ý kiến của các sở, ngành và địa phương về công tác đảm bảo ATTP. Ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: Trong năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP thành phố đã kiểm tra 50 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua kiểm tra, phát hiện 8/50 cơ sở (tỷ lệ 16%) vi phạm, lập biên bản đề nghị UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở với tổng số 15,5 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phường, xã đã tiến hành kiểm tra 688 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý. Qua kiểm tra có 59/688 cơ sở (tỷ lệ 8,58%) vi phạm, đã tiến hành nhắc nhở 45 cơ sở, lập biên bản đề nghị UBND phường, xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với tổng số hơn 10,9 triệu đồng.

Theo ông Sung, hiện nay kinh phí phục vụ công tác đảm bảo ATTP từ chương trình mục tiêu Y tế-Dân số không có nên việc triển khai tại địa phương gặp khó khăn. Việc xét nghiệm, kiểm nghiệm trong kiểm tra, giám sát về ATTP còn hạn chế. “Đề nghị Ban Chỉ đạo Liên ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện kiểm nghiệm, test nhanh trong thực phẩm, hỗ trợ kinh phí để công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đạt hiệu quả”-ông Sung đề xuất.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho hay: Công tác quản lý ATTP tuyến huyện, xã còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương chủ động cử người tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyên môn do tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân có kiến thức trong lựa chọn thực phẩm an toàn. Đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công thì cần tăng cường kiểm tra, cấp phép đối với các cơ sở đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Công tác đảm bảo ATTP có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ giống nòi, vì vậy cần đặc biệt chú trọng. Gia Lai là địa bàn miền núi nên công tác đảm bảo ATTP cần xác định là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thường xuyên. Trong đó, cần tập trung công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước về ATTP, có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Tăng cường thông tin và truyền thông về ATTP để người dân hiểu và tự phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe. Công tác tuyên truyền hạn chế bằng pano, băng rôn vì lãng phí, không hiệu quả mà cần thay đổi phương thức phù hợp, sát với người dân và bằng ngôn ngữ địa phương tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân hiểu và thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát cần tăng cường triển khai thường xuyên. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm ATTP trên phương tiện truyền thông để người dân biết. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm dịch thú y; xây dựng các mô hình điểm ATTP, xây dựng vùng sản xuất, chuỗi sản xuất an toàn; tăng cường quản lý các nhãn hiệu, thương hiệu đã xây dựng, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người dân, các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm an toàn, chất lượng… Quản lý chặt chẽ các bếp ăn tập thể, nhất là các bếp ăn trường học, thức ăn đường phố, hàng rong tại các cổng trường… Các cấp, ngành xây dựng kế hoạch, đảm bảo nguồn kinh phí trong thực hiện công tác ATTP. Hiện đang là thời điểm cận Tết Nguyên đán, vì vậy, cần tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm trong dịp này nhằm đảm bảo cho người dân có một cái Tết an toàn.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.