Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 20-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".
Hội nghị nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian qua. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết nối đến đầu cầu 63 tỉnh thành trên cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng thị trường lao động Việt Nam trong mối tương quan thị trường lao động thế giới; vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; cơ chế, chính sách về thị trường lao động; kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước mắt là chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN (1)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một hội nghị rất quan trọng, sau các hội nghị về thị trường vốn và bất động sản và sắp tới các hội nghị khác như về phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Các hội nghị được tổ chức trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thực hiện bài bản, lớp lang, đồng bộ.
Hội nghị góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, trong bối cảnh Chính phủ xác định 4 "ổn định" gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có cung cầu lao động; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 
Các ý kiến tại hội nghị đánh giá nói chung, thị trường lao động Việt Nam cơ bản phát triển tốt, ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Nhưng Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, có nhiều vấn đề đặt ra nhưng không thể giải quyết được ngay, đó cũng là tất yếu quá trình phát triển. 
Theo Thủ tướng, cần tiếp tục đi tìm lời giải cho những câu hỏi vẫn đang trăn trở của nhiều người. Đó là vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn một số nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao kỹ năng người lao động Việt Nam còn thấp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động bền vững khi thời điểm dân số vàng còn đang hiện hữu?
Thủ tướng khẳng định, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Lao động-việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Chúng ta đều biết, khi lao động trong nền kinh tế quá dư thừa, thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí bất ổn xã hội, chính trị; ngược lại, nếu thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp… sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và có các hệ lụy khác. Đây là hai mặt mà chúng ta phải cân nhắc, tính toán, xử lý hài hòa trong quá trình phát triển.
Chính sách chăm lo, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, phát triển thị trường lao động, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 
Cụ thể, thị trường lao động đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới; thể chế thị trường lao động ngày càng hoàn thiện. Hệ thống thông tin thị trường từng bước đáp ứng được yêu cầu. Quan hệ lao động được thiết lập hài hòa, công bằng, hợp lý; các định chế thị trường hỗ trợ kết nối cung cầu và các định chế an sinh xã hội cơ bản được hình thành tốt. Người lao động được tạo điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động khắc phục các rủi ro do mất hoặc giảm giờ làm việc, tai nạn lao động, mất sức lao động, nghỉ hưu…
Cung-cầu lao động được hình thành và kết nối trên các nguyên lý của thị trường, trong đó: về cầu, cùng với kinh tế tăng trưởng dương liên tục nhiều năm, cầu lao động không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu ngành, nghề theo hướng hiện đại, từng bước tạo việc làm đầy đủ, bền vững hơn cho người lao động. Cơ hội việc làm tăng với việc hàng năm, thị trường lao động tạo thêm việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động. Về cung, hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển được chuẩn hóa, hiện đại hóa từng bước, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của thị trường lao động để phát triển nguồn nhân lực về số lượng, liên thông giữa các cấp trình độ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu gần đây, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II-2022 là 50,5 triệu, tăng 504,6 nghìn người (tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm bộc lộ rõ hơn các điểm yếu của thị trường lao động việc làm mà chúng ta cần có giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. 
Thủ tướng lưu ý thêm: Thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; Thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động; Cân đối cung-cầu lao động chưa thật hiệu quả, bền vững dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu-thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu.
Giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Cơ cấu thị trường lao động còn chưa hợp lý, chưa hiệu quả.
Theo Thủ tướng, những hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó: Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động còn hạn chế; chưa thực sự chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tế, của thị trường.
Năng lực quản trị, vận hành thị trường lao động còn yếu. Thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là những bất cập về tiền lương.
Hệ thống trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm chưa phát huy tốt vai trò kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ người lao động, nhất là để vượt qua các cú sốc của thị trường. Nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thể trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động còn những hạn chế nhất định.
Chưa chú trọng kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế một cách liên thông, tổng thể, bền vững, ổn định. Công tác thông tin, truyền thông đến người lao động còn hạn chế, nhiều người lao động chưa hiểu rõ, hiểu hết quyền và lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Chưa thực sự quan tâm phát triển cơ sở dữ liệu thị trường lao động đầy đủ; công tác thống kê cập nhật phục vụ phân tích, dự báo và chỉ đạo điều hành về tình hình lao động còn hạn chế.    
Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những thời cơ, vận hội đan xen khó khăn, thách thức; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ-tài khóa; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (với quy mô 340 nghìn tỷ-khoảng 4% GDP), tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch. Những điều đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Chúng ta kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, muốn vậy phải dựa vào con người là chính. Chúng ta muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì chúng ta phải đào tạo thường xuyên, đầy đủ và có đột phá để có được lao động chất lượng cao, làm chủ được công nghệ. Cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới
Nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ quy luật các quy luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...
Các đại biểu dự hội nghị phát triển thị trường lao động, sáng 20-8. Ảnh: VIẾT CHUNG
Các đại biểu dự hội nghị phát triển thị trường lao động, sáng 20-8. Ảnh: Viết Chung
Nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.
Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu hiện tại và dự báo tương lai.
Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, xây dựng nhiệm vụ phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn và dài hạn, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.
Cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân có thể làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định, để người lao động hạn chế phải xa quê hương. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn. Về việc này, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về nhà ở xã hội với mục tiêu xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đến năm 2030.
Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.
Thực hiện các văn bản, quy định liên quan tới thị trường lao động, Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động, chú trọng đào tạo cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống. Trong nhiệm kỳ này, đang dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề và dự kiến sẽ bố trí thêm. Chủ trương của chúng ta là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.
Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường lao động phải phục vụ đắc lực, hiệu quả việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. 
Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị; nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
L.H
 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.