Đau tim là một trường hợp cấp cứu y tế, cần được trợ giúp y tế ngay lập tức.
Các triệu chứng của một cơn đau tim bắt đầu xuất hiện rất lâu trước khi cơn đau tim thực sự xảy ra nhưng điều này hầu như không được chú ý - Ảnh: Shutterstock |
Các triệu chứng của một cơn đau tim bắt đầu xuất hiện rất lâu trước khi cơn đau tim thực sự xảy ra nhưng điều này hầu như không được chú ý.
Mặc dù rất khó dự đoán khi nào cơn đau tim thực sự sẽ xảy ra, nhưng các nhà khoa học đã thành công trong việc xác định ngày mà hầu hết mọi người có khả năng mắc phải nó.
Tại sao lại là thứ hai?
Ngày đầu tuần luôn được coi là một trong những ngày xui xẻo nhất trong tuần. Áp lực công việc, sự lo lắng và các cuộc họp đã làm vơi đi sức mạnh của tất cả chúng ta. Các nhà nghiên cứu hiện đã đưa ra một lý do khác để sợ hãi ngày thứ hai, theo Times of India.
Nghiên cứu
Ngày thứ hai thường có nhiều áp lực trong công việc khiến nhiều người đau đầu, đau tim hơn - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Theo một nghiên cứu đăng ký của Thụy Điển được thực hiện trên 156.000 người, hầu hết mọi người đều dễ bị đau tim hơn vào ngày thứ hai.
Các nhà nghiên cứu từ hai trường đại học hàng đầu của Thụy Điển - Uppsala và Umeå - đã phân tích dữ liệu thu thập được từ các bệnh viện Thụy Điển về nhồi máu cơ tim (đau tim) được đăng ký trong cơ quan đăng ký chất lượng quốc gia SWEDEHEART từ năm 2006 đến năm 2013 (8 năm).
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Mỹ cho thấy nguy cơ bị đau tim tăng lên khi một người cực kỳ căng thẳng và nếu chúng ta nhìn vào lịch thì một số ngày được coi là căng thẳng hơn những ngày khác.
Dữ liệu chỉ ra rõ ràng rằng tỷ lệ nhồi máu cơ tim (MI) cao hơn trong kỳ nghỉ đông và vào thứ hai, trong khi khả năng tương tự là tối thiểu vào cuối tuần và trong kỳ nghỉ hè vào tháng bảy, theo Times of India.
Tại sao phải tin phát hiện này?
Căng thẳng kéo dài làm tăng hoạt động trong một khu vực của não liên quan đến việc xử lý cảm xúc, dẫn đến tăng khả năng mắc bệnh tim và tuần hoàn. Khi nói đến cuối tuần, chúng ta được thư giãn và thoải mái hơn. Huyết áp của chúng ta được kiểm soát và nhịp tim của chúng ta bình thường.
Bên cạnh đó, căng thẳng chỉ là một trong những yếu tố gây ra sự thay đổi trong tỷ lệ MI. Các yếu tố khác, chẳng hạn như nhiệt độ cũng làm thay đổi nhịp tim. Các nhu cầu tâm lý xã hội về hành vi ảnh hưởng đến các hệ thống sinh học cơ bản và những thay đổi này diễn ra đến mức có thể dẫn đến đau tim.
Những nghiên cứu trước đây nói gì?
Các nghiên cứu trước đây về vấn đề tương tự cho thấy rằng các sự kiện căng thẳng cao độ như động đất và các trận bóng đá World Cup cũng có thể gây ra các cơn đau tim. Thứ hai, được coi là một ngày căng thẳng không kém cũng có thể có ảnh hưởng tương tự đến tim của bạn.
Điều quan trọng
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến đau tim. Căng thẳng chỉ là một trong số đó. Cholesterol cao, huyết áp cao, béo phì và tiểu đường là một số tình trạng khác cũng có thể dẫn đến đau tim. Căng thẳng vẫn có thể được kiểm soát bằng cách lập kế hoạch trước cho tuần của bạn và thực hiện một số bài tập thở. Điều này có thể giảm nguy cơ đau tim, theo Times of India.
Theo Khuê Nguyễn (TNO)