Phấn đấu tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo đạt thấp nhất 70% tổng đàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 13-4, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã tổng kết công tác phòng-chống bệnh Dại trên động vật năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai các tháng còn lại của năm 2023.

Ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh là 211.233 con/114.926 hộ nuôi, hình thức chăn nuôi chó tại các địa phương chủ yếu là thả rông, chưa xác định mục đích nuôi rõ ràng hoặc chăn dắt lên rừng, nương rẫy để săn bắt, bảo vệ tài sản. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 không ghi nhận báo cáo nào về trường hợp bệnh Dại trên động vật, công tác kiểm soát các trường hợp chó, mèo mắc bệnh Dại rất khó khăn, đa số người dân không báo cáo cho cơ quan thú y hoặc khi nhận được tin báo thì không tìm được chó nghi mắc bệnh Dại để xử lý.

Trong năm 2022, Gia Lai ghi nhận 5 người tử vong do bệnh Dại và 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 người tử vong do bệnh Dại (trong đó có 1 ca bị chó cắn tại tỉnh Đak Nông và về Gia Lai phát bệnh tử vong).

Năm 2022, kế hoạch số lượng vắc xin Dại theo Quyết định số 922/QĐ-UBND triển khai trong năm là 23.280 liều; tuy nhiên chỉ có 8/17 địa phương gồm: Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Mang Yang, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku đã bố trí kinh phí mua vắc xin phòng bệnh Dại và tiêm được 9.877 liều, đạt 42,4% kế hoạch. Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo của gia đình với số lượng 2.135 liều. Tỷ lệ chó được tiêm phòng so với tổng đàn trên địa bàn tỉnh năm 2022 chỉ đạt 5,4%.

3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tiêm phòng được 11.153 liều vắc xin Dại cho đàn chó, mèo. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 đã cấp phát 700 tờ rơi, 170 quyển tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về phòng-chống bệnh Dại…

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, khó khăn trong công tác phòng-chống bệnh dại hiện nay là: Lực lượng làm công tác thú y mỏng, hầu hết người dân chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh cho đàn chó, chưa chủ động tiêm vắc xin phòng Dại cho chó; còn chủ quan đối với bệnh Dại; ngân sách bố trí mua vắc xin Dại tiêm phòng cho đàn chó rất hạn chế... Việc quản lý đàn chó và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó tại cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, bất cập...

Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Pleiku phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Pleiku phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng-chống bệnh dại trong thời gian tới. Kết luận tại hội nghị, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Để ngăn ngừa bệnh Dại nhằm hạn chế thiệt hại về người, trước hết người nuôi chó, mèo cần có ý thức, chủ động tiêm phòng vắc xin Dại cho chó mèo, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, hạn chế thả rông, quản lý tốt đàn chó nuôi và thực hiện khai báo với chính quyền khi nuôi chó, mèo…; kịp thời khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường, chết không rõ nguyên nhân để được hướng dẫn xử lý.

Về phía chính quyền địa phương cần có trách nhiệm trong việc quản lý chó, mèo; đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo đạt ít nhất 70% tổng đàn; đồng thời cần xử lý nghiêm đối với hộ không tuân thủ các quy định về nuôi chó, mèo… Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là giữa ngành Nông nghiệp và ngành Y tế từ tỉnh tới cơ sở phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh Dại, khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống bệnh và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Ngoài ra, đề nghị các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng-chống bệnh Dại, xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, vật lực, kinh phí đảm bảo đủ để thực hiện tốt các hoạt động phòng-chống dịch, nhất là việc bố trí kinh phí mua vắc xin tiêm phòng Dại cho đàn chó, mèo.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.