Cảnh báo nguy cơ bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giai đoạn 2015-2022, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 33 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Với số lượng chó trên 210.000 con nhưng tỷ lệ tiêm phòng dại chưa đến 10%, cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân thì nguy cơ gia tăng bệnh dại là hiện hữu.

Huyện Chư Sê ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao nhất toàn tỉnh. 5 năm qua, huyện ghi nhận 8 ca tử vong. Ca tử vong mới nhất xảy ra tại làng Hố Lâm (xã Chư Pơng) vào ngày 7-3 vừa qua. Nạn nhân bị chó nuôi trong nhà cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng dại. 3 tháng sau, nạn nhân phát bệnh và tử vong. Ngoài ra, con chó này còn cắn con trai nạn nhân (sau khi bị cắn cũng không tiêm vắc xin phòng dại) và đang được theo dõi điều trị hàng ngày.

Ông Phạm Ngọc Hưng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng-thông tin: Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh truyền nhiễm trên người của xã đã tổ chức họp, phân công các thành viên phối hợp với làng Hố Lâm tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng-chống bệnh dại.

Đồng thời, lập danh sách số lượng chó, mèo trên địa bàn xã, yêu cầu người dân quản lý, nuôi nhốt, không thả rông, không vận chuyển ra khỏi địa bàn. Những con chó, mèo có biểu hiện nghi ngờ bệnh dại thì báo ngành chức năng để kịp thời xử lý. Ngoài ra, tuyên truyền người dân tự giác tiêm vắc xin dại cho chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn, tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.

Người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Phòng khám Đa khoa SYSMED Phù Đổng (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện

Người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Phòng khám Đa khoa SYSMED Phù Đổng (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện

Cũng theo ông Hưng, toàn xã có 1.500 con chó, mèo nhưng chỉ được cấp 200 liều vắc xin dại và chỉ tiêm được 50 liều do người dân thiếu hợp tác. “Người dân còn chủ quan trong công tác phòng-chống bệnh dại, không tiêm phòng dại cho chó, mèo và vẫn còn nuôi thả rông. Sau khi bị chó, mèo cắn không khai báo, không tiêm vắc xin phòng dại gây khó khăn trong công tác phòng-chống bệnh dại hiện nay. Địa phương kiến nghị UBND huyện hỗ trợ vắc xin để tiêm cho đàn chó, mèo trên địa bàn xã”-ông Hưng đề xuất.

Bệnh dại rất nguy hiểm, 100% trường hợp tử vong khi phát bệnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng, cả tỉnh nói chung đạt rất thấp. Trung bình mỗi hộ ở huyện Chư Sê nuôi từ 2 đến 3 con chó nhưng rất ít gia đình tiêm phòng dại cho vật nuôi. Người dân chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại đối với con người. Đồng thời, phối hợp với ngành Thú y tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm. Bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng thì rất cần sự chung tay vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình trong công tác phòng-chống bệnh dại”-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trương Minh Cẩn nhấn mạnh.

Đoàn công tác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Chi cục Thú y vùng V đã có buổi làm việc tại xã Chư Pơng, huyện Chư Sê về công tác phòng-chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện

Đoàn công tác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Chi cục Thú y vùng V đã có buổi làm việc tại xã Chư Pơng, huyện Chư Sê về công tác phòng-chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do diễn biến thất thường của thời tiết và đặc điểm dịch tễ, bệnh dại trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ ghi nhận các trường hợp tử vong là rất lớn.

“Hiện nay, số người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với vi rút dại trên địa bàn tỉnh đa số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên động vật nuôi còn thấp cùng với tập quán nuôi chó thả rông khó kiểm soát là điều kiện thuận lợi cho bệnh dại lưu hành tại địa phương. Trong khi đó, kinh phí dành cho đào tạo, tập huấn, mua vắc xin hỗ trợ tiêm phòng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn... còn rất hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh”-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.

Mới đây, đoàn công tác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Chi cục Thú y vùng V đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại Gia Lai về công tác phòng-chống bệnh dại. Tiến sĩ Phạm Ngọc Thanh-Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) đề nghị: Huyện Chư Sê cần đặc biệt giám sát các thôn, xã có ổ dịch cũ và những nơi đang có dịch lưu hành để kịp thời phát hiện, xử lý dịch. Bên cạnh đó, Gia Lai tăng cường truyền thông phòng-chống bệnh dại; khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Ngành thú y cần tăng cường quản lý và tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Ngành Y tế quan tâm tập huấn, hướng dẫn công tác giám sát và phòng-chống bệnh dại cho tuyến tỉnh, huyện, xã; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp bị chó, mèo cắn và vận động tiêm vắc xin phòng dại; kiện toàn và mở rộng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Quan tâm hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.