Nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mô hình nuôi bò vỗ béo đang là hướng đi phù hợp vì mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân ở xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Chính quyền địa phương đang lựa chọn mô hình này để nhân rộng trong thời gian tới.

 

Trước đây, gia đình ông Phan Thanh Sơn (thôn Tân Phú) được nhiều người biết đến là một trong những tỷ phú hồ tiêu. Những năm 2014-2015, gia đình ông Sơn mỗi năm thu hàng tỷ đồng từ 5 ha hồ tiêu. Khi vườn cây bị bệnh chết hàng loạt cộng với giá hồ tiêu rớt thảm hại, ông buộc phải chuyển hướng sản xuất sang nuôi heo và gà nhưng cũng không cải thiện được thu nhập vì thường xuyên bị dịch bệnh. Qua tính toán, ông Sơn thấy nuôi bò vỗ béo ít rủi ro mà hiệu quả kinh tế ổn định. Vì vậy, đầu năm 2019, ông quyết định cải tạo vườn để trồng cỏ, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò.

 Trang trại nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Phan Thanh Sơn (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Ảnh: N.S
Trang trại nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Phan Thanh Sơn (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Ảnh: N.S



Ông Sơn cho biết, ngoài cỏ thì tại địa phương còn có nguồn phế phẩm là vỏ chanh dây của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai rất tốt cho việc chăn nuôi bò nhốt chuồng. Ban đầu, ông bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư chuồng trại và mua 40 con bò lai Sind về nuôi. Trong quá trình nuôi, ông lặn lội sang các trang trại bò ở tỉnh Đak Lak để học hỏi thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, ông cũng mua thêm giống bò lai Angus, Brahman nhập khẩu về nuôi. Đây là những giống bò có vóc dáng cao to, tăng trọng nhanh.

Sau khi bán lứa bò đầu tiên, ông Sơn đã mở rộng thêm quy mô chuồng trại. Đến nay, đàn bò của ông Sơn đã lên đến 150 con. “Thời gian vỗ béo bò từ 3 đến 4 tháng, tiền lãi trung bình mỗi tháng là 1 triệu đồng/con. Nuôi bò thịt vỗ béo nhanh xuất bán hay không là tùy vào con giống ban đầu. Nếu chọn được con giống khỏe mạnh thì thời gian nuôi vỗ béo ngắn. Tuy nhiên, do vốn đầu tư cao nên nhiều gia đình ở đây không đủ tiền nuôi số lượng nhiều. Hiện mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ bán bò khoảng 600-700 triệu đồng”-ông Sơn chia sẻ.

Trước đây, ngoài trồng cà phê, hồ tiêu, gia đình ông Nguyễn Xuân Diệp (làng Hrak) cũng nuôi vài con bò vỗ béo. Nhận thấy nuôi bò vỗ béo có thể tận dụng nguồn phế phẩm là vỏ chanh dây tại chỗ làm thức ăn, ông mạnh dạn bỏ ra 500 triệu đồng đầu tư chuồng trại nuôi 15 con bò. Sau 3 năm nuôi bò, gia đình ông đã có nguồn thu khá ổn định. Hiện tại, với số lượng nuôi dao động khoảng 80 con bò, mỗi năm, gia đình ông thu nhập 300-500 triệu đồng. Ông Diệp cho hay: “Nuôi bò vỗ béo có nhiều ưu điểm nổi trội so với nuôi bò thả rông như tiết kiệm thời gian và chi phí thuê công chăn thả. Ngoài việc tận dụng phế phẩm vỏ chanh dây, tôi còn cải tạo lại vườn để trồng cỏ voi cung cấp thêm thức ăn nên đàn bò tăng trọng nhanh, khỏe mạnh”.

Giống bò siêu thịt được ông Sơn mới nhập về nuôi. Ảnh: Ngọc Sang
Giống bò siêu thịt được ông Sơn mới nhập về nuôi. Ảnh: Nguyễn Sang



Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, nhiều năm qua, bà con nông dân xã Đak Djrăng đã đưa nhiều loại cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi bò vỗ béo đã giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập. Ông Trần Đức Tiến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Djrăng-cho biết: Để giúp người dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, tháng 1-2020, xã thành lập Nông hội chăn nuôi gồm 20 thành viên tham gia với nhiều mô hình như: nuôi dê thương phẩm, gà thả vườn và nuôi bò vỗ béo. Đây là mô hình nông hội đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Mang Yang. Đến nay, Nông hội chăn nuôi của xã đã có thêm 7 thành viên chăn nuôi bò vỗ béo quy mô 10-150 con/hộ. Mô hình này đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng: “Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo đang được xã lựa chọn để nhân rộng vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài các hộ đầu tư chăn nuôi quy mô lớn từ vài chục con trở lên còn có nhiều hộ nuôi 2-3 con. Xã đang có kế hoạch tổ chức cho hội viên nông hội tham quan các mô hình nuôi bò vỗ béo ở các tỉnh, thành để học hỏi, áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, để đầu tư nuôi bò vỗ béo cần số vốn ban đầu lớn. Do đó, các hộ mong muốn được hỗ trợ vay vốn để phát triển mô hình này”.

NGUYỄN SANG

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.