Nữ sinh lớp 10 của Gia Lai đạt học sinh giỏi quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với 13/20 điểm, em Lương Kiều Xuân-Lớp 10C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) vừa đạt giải ba môn Ngữ văn tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Đáng chú ý, Xuân là học sinh lớp 10 duy nhất góp mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh và mang về vinh quang.

Yêu môn Văn từ bé

Như lời hẹn, tôi gặp Lương Kiều Xuân tại trường sau khi em vừa hoàn thành buổi kiểm tra giữa học kỳ II. Đôi mắt sáng đằng sau cặp kính cận cùng nụ cười hiền của em thu hút người đối diện.

Xuân bảo rằng, từ nhỏ, em đã rất thích đọc sách và viết truyện ngắn. Những mẩu chuyện nhỏ được Xuân viết và lưu giữ trong cuốn sổ tay cá nhân; thỉnh thoảng đem lên lớp cho bạn bè cùng đọc.

Mẹ Xuân là giáo viên dạy Toán, vì vậy, ít nhiều bà cũng định hướng cho con mình nghiêng về các môn Khoa học Tự nhiên. Thế nhưng, Xuân lại kiên định theo đuổi con đường văn chương. Xuân chia sẻ: “Phần vì em thấy mình có năng khiếu học Văn, phần do bản thân được truyền cảm hứng từ cô giáo dạy Ngữ văn năm lớp 8. Ba mẹ dẫu có định hướng nhưng cũng rất tôn trọng lựa chọn của em, ủng hộ con gái hết mình”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định tặng giấy khen cho đội tuyển Ngữ văn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định tặng giấy khen cho đội tuyển Ngữ văn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Xuân đạt giải nhất học sinh giỏi lớp 9 của TP. Pleiku và giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn Ngữ văn. Đây cũng là tiền đề để em quyết định theo học lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Hùng Vương và tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

“Là lứa học sinh lớp 10 đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ban đầu, em cũng có nhiều bỡ ngỡ. Thế nhưng, sau gần 1 năm học, em cảm thấy thích với phương pháp học mới bởi nó giúp học sinh chủ động, sáng tạo, thể hiện được năng lực của bản thân nhiều hơn trong quá trình học tập. Đặc biệt, với môn Ngữ văn, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra, đánh giá giúp em biết tự tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn; thậm chí có thể là người khơi mào ra những điều mới mẻ mà trước đó chưa từng được đề cập trong bất kỳ bài văn mẫu nào”-Xuân bày tỏ.

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh (bảng A) năm học 2022-2023, Xuân cùng nhiều bạn trong lớp chuyên Văn quyết định “thử sức”. Kết quả, lớp Xuân có 4 bạn đạt giải (2 giải ba và 2 giải khuyến khích). Với số điểm cao hơn người bạn đạt giải ba còn lại, Xuân trở thành học sinh lớp 10 duy nhất góp mặt trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia có 8 thành viên của môn Ngữ văn. “Nhận được thông báo, em vô cùng bất ngờ. Bước vào đợt bồi dưỡng, em có đôi phần áp lực vì mình là thành viên nhỏ tuổi nhất, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế so với các anh chị lớp 11, 12. Tuy nhiên, được sự động viên của thầy cô, sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các thành viên trong đội tuyển, em đã dần thích ứng với guồng quay học tập, ôn luyện căng thẳng suốt nhiều tháng”-Xuân cho biết.

Đề thi không đánh đố thí sinh

Chia sẻ về đề thi Ngữ văn của Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay, Xuân cho rằng đề không đánh đố thí sinh, không có những vế câu và mệnh đề mơ hồ đa nghĩa hoặc thách thức tư duy giải mã.

Theo đó, cấu trúc đề gồm 2 câu hỏi với tổng số điểm là 20. Câu nghị luận xã hội (8 điểm) đưa ra thành ngữ “Hữu xạ tự nhiên hương” và yêu cầu thí sinh phải nêu quan điểm về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay. Câu nghị luận văn học (12 điểm) đề cập đến ý kiến: “Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”; đồng thời, yêu cầu thí sinh bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, trình bày suy nghĩ về ý kiến đó.

Với Lương Kiều Xuân, kết quả đạt được tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT là động lực để em cố gắng hơn trên chặng đường sắp tới. Ảnh: Mộc Trà
Với Lương Kiều Xuân, kết quả đạt được tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT là động lực để em cố gắng hơn trên chặng đường sắp tới. Ảnh: Mộc Trà

Xuân nhớ lại: Đọc xong đề, em cảm thấy hơi hoang mang vì nó khác xa với dự đoán ban đầu của mình. Các vấn đề được đưa ra không mới nhưng đòi hỏi thí sinh phải xử lý tinh tế, có vốn kiến thức đời sống cũng như văn học phong phú. Để giải quyết 2 câu hỏi trong 180 phút, em đã cân đối khoảng 65 phút cho câu 1 và dành thời gian còn lại cho câu 2. Ở câu nghị luận xã hội, ngoài nói về bản thân, em cũng liên hệ đến một số tấm gương điển hình trong và ngoài nước để làm rõ cho quan điểm mình đưa ra. Còn câu nghị luận văn học, em kết hợp dẫn chứng cả văn học Việt Nam và nước ngoài, từ văn học trung đại đến hiện đại với một số tác phẩm như: “Thu ẩm” (Nguyễn Khuyến), “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Chúa Ruồi” (William Golding), “Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” (Tô Thùy Yên)… Tổng dung lượng bài thi của em dài khoảng 15 trang giấy thi.

“Tối 13-3, em hồi hộp dò tìm kết quả và vỡ òa cảm xúc khi biết mình đạt giải ba. Gia đình, thầy cô và bạn bè cũng liên tục nhắn tin chúc mừng, động viên em đã gặt hái được quả ngọt sau bao ngày ôn luyện. Với em, đây là động lực, đồng thời cũng là áp lực đặt ra để bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai. Trước mắt, em sẽ củng cố kiến thức để chuẩn bị cho cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP. Hồ Chí Minh và quyết tâm mang về huy chương”-Xuân vui vẻ cho hay.

Không giấu được niềm hạnh phúc, bà Phan Thị Kim Khánh (mẹ Xuân) tự hào nói: “Xuân có tinh thần tự giác học tập rất cao. Mặc dù yêu Văn học nhưng con vẫn học đều tất cả các môn. 10 năm liền đều đạt học sinh giỏi. Gia đình rất vui khi Xuân đạt được những thành công bước đầu; đồng thời, mong rằng đây sẽ là nền tảng để tiếp tục phấn đấu trên con đường bản thân đã chọn”.

Cô Hà Hoài Phương-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn-Trường THPT chuyên Hùng Vương: Đây là năm thứ 2 Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh lớp 10 được tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh. Em Lương Kiều Xuân là học sinh lớp 10 thứ 2 của trường đạt học sinh giỏi quốc gia, sau Dương Tiến Hải. Xuân là một học sinh có tố chất, năng khiếu văn chương. Nền tảng đó được Tổ chuyên môn sớm phát hiện, bồi dưỡng và giúp em đạt được thành tích vượt trội ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay. Khả năng của em ấy chưa phải quá đặc biệt nhưng nếu tiếp tục được rèn giũa, Xuân có thể sẽ đạt được những thành tích cao hơn trong những năm tới.

Cô Hà Hoài Phương (thứ 5 từ trái sang) và 8 thành viên trong Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Cô Hà Hoài Phương (thứ 5 từ trái sang) và 8 thành viên trong Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.