Nữ giám đốc ở TP HCM "làm ảo thuật" với găng tay y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, nữ giám đốc chỉ đạo nhiều người sản xuất, đóng gói hàng ngàn thùng găng tay y tế giả rồi bán ra thị trường.

Sau một ngày xét xử và nghị án, sáng 25-3, TAND TP HCM công bố mức hình phạt đối với nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán số lượng "khủng" găng tay y tế giả.

Phạm tội với vai trò chủ mưu, bị cáo Thạch Thị Hoa (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại thiết bị TTH) lãnh 13 năm tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Cùng tội danh, 4 đồng phạm của Hoa gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp tổng hợp Sài Gòn) 9 năm 6 tháng tù; Lê Đức Chương (lao động tự do) 8 năm tù; Lê Ngọc Ngân (làm thuê) 7 năm tù; Nguyễn Thị Luynh Trang (làm thuê) 4 năm 6 tháng tù.

 

Nhóm tội phạm trục lợi bằng cách buôn bán găng tay y tế giả
Nhóm tội phạm trục lợi bằng cách buôn bán găng tay y tế giả


Tối 3-8-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM phối hợp với công an địa phương tổ chức tuần tra trên địa bàn phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân.

Cơ quan chức năng phát hiện một kho hàng trên đường Hương Lộ 2 thuộc phường Bình Trị Đông A chứa nhiều găng tay y tế nhãn hiệu HTC Gloves thuộc Công ty CP găng tay HTC và nhãn hiệu Vglove của Công ty CP VRG Khải Hoàn.

Chủ kho hàng là Nguyễn Đức Chương không thể xuất trình hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Thời điểm công an ập vào, Chương cùng Lê Thị Luynh Trang (quản lý kho), Thạch Thị Hoa, Lê Ngọc Hân (nhân viên Công ty TTH) cùng 32 người khác đang sàng lọc găng tay kém chất lượng từ những bao găng tay nguyên liệu. Sau đó, nhóm người này xếp găng tay y tế vào hộp dán nhãn hiệu Vglove.

Cơ quan điều tra xác định lợi dụng nhu cầu mua găng tay tăng cao vì dịch bệnh Covid-19, Thạch Thị Hoa chủ động bàn bạc với Nguyễn Đức Chương về việc thuê nhà ở cho công nhân cũng như tìm địa điểm làm nơi thu mua găng tay y tế trôi nổi ngoài thị trường. Họ còn mua thêm hộp, thùng, tem.

Hoa chỉ đạo Chương thuê công nhân sản xuất găng tay y tế giả để đưa ra thị trường.

Nhóm này đã sản xuất hàng ngàn thùng găng tay y tế giả, có giá trị tương đương hàng thật gần 3,3 tỉ đồng.

Cơ quan xét xử nhận thấy bị cáo Hoa đóng vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm chính toàn bộ công đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bị cáo Chương là người thuê kho, địa điểm nhận găng tay y tế kém chất lượng, thùng, hộp, tem từ Hoa. Biết rõ việc sản xuất găng tay y tế giả nhưng Chương vẫn giúp sức tích cực bằng cách thuê công nhân; thực hiện sản xuất rồi đóng gói hàng giả.

Nguyễn Thị Luynh Trang nhận nhiệm vụ giám sát công nhân, trả lương, chấm công. Khi khách đến nhận hàng thì Trang hướng dẫn nhân viên bốc hàng lên xe.

Giúp việc cho cấp trên, Lê Ngọc Ngân làm nhiệm vụ môi giới; liên hệ mua nguyên liệu găng tay y tế trôi nổi, thùng giấy và tem nhãn.

Tương tự, Nguyễn Thị Thu Sương cung cấp cho Hoa số lượng lớn găng tay y tế cũ cùng thùng, hộp, tem.

Theo HĐXX, một số đối tượng khác thực hiện hành vi có dấu hiệu tiếp tay nhóm tội phạm trên. Cơ quan xét xử từng trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ hành vi của những đối tượng đó. Tuy nhiên, VKSND TP giữ nguyên quan điểm truy tố như đã nêu ở trên.

Trong phạm vi xét xử, HĐXX sơ thẩm tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ vấn đề trên.

Theo Di Lâm (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chư Sê: Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Nông dân Chư Sê tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT), các cấp Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.