NÓNG: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn "trị" tội cho vay lãi nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
"Cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ Luật Dân sự hiện hành.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 24-12-2021.
Hướng dẫn trong nghị quyết, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải thích "Cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 468, Bộ Luật Dân sự (lãi suất, mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm; nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm).
Giải quyết trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải tiền), cơ quan chức năng cũng như các bên phải quy đổi tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

TAND TP HCM xét xử hai đối tượng (ảnh) có hành vi cho vay lãi nặng
TAND TP HCM xét xử hai đối tượng (ảnh) có hành vi cho vay lãi nặng
Đáng lưu ý, nghị quyết đề cập chi tiết nhiều trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Đơn cử, nếu người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản ...) thì họ còn chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Hay người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên nhưng họ chưa thể thu lợi (vì nguyên nhân ngoài ý muốn); hoặc thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng. Ở tình huống này, cơ quan pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà người cho vay nhằm đạt được. Khi quyết định hình phạt, tòa án áp dụng quy định pháp luật hình sự về phạm tội chưa đạt.
Tương tự, nghị quyết hướng dẫn cách xử lý người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, có số tiền thu lợi bất chính mỗi lần phạm tội từ 30 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, người cho vay còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 2 lần trở lên".
Phạt tù lên đến 3 năm
Điều 201, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự":
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Di Lâm (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm