Nông dân Phú Thiện trúng vụ khoai lang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay, bà con nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) trồng hơn 1.000 ha khoai lang, tăng gấp đôi diện tích so với vụ trước. Người trồng khoai lang ở huyện Phú Thiện đang tất bật bước vào vụ thu hoạch với niềm vui được mùa, được giá. Sau khi trừ chi phí, bà con lãi trên 100 triệu đồng/ha.
Nhận thấy giống khoai lang Nhật Bản dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên nhiều người dân huyện Phú Thiện đã chuyển đổi diện tích lúa và cây ngắn ngày năng suất thấp sang trồng khoai lang. Thêm vào đó, trước sức hút lợi nhuận của loại cây trồng này, nhiều nông dân từ các tỉnh Đak Lak, Kon Tum cũng đổ xô đến thuê đất trồng khiến diện tích khoai lang ở Phú Thiện tăng nhanh. Nếu vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện chỉ có 500 ha thì năm nay lên đến 1.000 ha.
Đây là năm đầu tiên ông Bùi Văn Việt (thôn Hải Yên, xã Chư A Thai) trồng khoai lang trên 6 sào đất lúa. Theo ông Việt, nhờ chủ động được nguồn nước nên năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào. Với giá bán 7,5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi 90 triệu đồng, gấp 3-4 lần trồng lúa. Thương lái trực tiếp đến tận ruộng thu mua. Máy cày và công thu hoạch thuê khoán 1,5 triệu đồng/sào nên người dân đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
Nông dân huyện Phú Thiện phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá. Ảnh: Vũ Chi
Nông dân huyện Phú Thiện phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá. Ảnh: Vũ Chi
Còn ông Mã Văn Can (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol) thì cho hay: “Đây là năm đầu tiên ruộng khoai lang của gia đình cho năng suất rất cao, có củ hơn 1 kg. Củ to và đều nên không phải mất công phân loại. Do giá phân bón tăng cao nên mỗi ha đầu tư hết khoảng 70 triệu đồng. Nếu tính năng suất bình quân 3 tấn/ha, với giá bán 8 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi 170 triệu đồng/ha”.
Cũng là người có thâm niên trồng khoai lang, năm nay, anh Tạ Văn Nguyên (thôn Thắng Lợi 1) thuê 5 ha đất trồng khoai với giá 30 triệu đồng/ha. Anh cho biết: Hiện giá khoai lang ở mức 7,5-8 ngàn đồng/kg nên người dân rất phấn khởi. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 100 triệu đồng/ha. “Ngoài thời tiết, năng suất khoai lang phụ thuộc vào nguồn nước, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là chất đất. Với những chân ruộng tốt nếu trồng lần đầu sẽ cho năng suất rất cao. Tuy nhiên, nếu trồng nhiều vụ liên tiếp thì năng suất sẽ giảm dần. Vì vậy, sang năm, tôi sẽ quay lại trồng lúa để cải tạo đất”-anh Nguyên chia sẻ kinh nghiệm.
Xã Ia Sol có khoảng 350 ha khoai lang, tăng 50 ha so với vụ trước. Nói về việc tăng diện tích khoai lang tại địa phương, ông Phạm Tiến Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa có liên kết trong đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2021-2022, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn đặt cược rủi ro, thuê đất trồng với diện tích lớn.
Trao đổi với P.V, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Mặc dù diện tích tăng vọt so với vụ trước, song đây là năm thứ 2 liên tiếp người dân Phú Thiện tiếp tục trúng vụ khoai lang. Nhờ thời tiết thuận lợi cùng kinh nghiệm canh tác, năng suất khoai lang đạt bình quân 25-30 tấn/ha. Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay thì việc khoai lang được mùa, được giá đã mang lại niềm vui đối với người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tái sản xuất vụ tiếp theo. Tuy nhiên, để sản xuất khoai lang mang tính bền vững, chúng tôi khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích, lựa chọn giống đạt chất lượng và liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.