Nông dân Phú Thiện lao đao vì mía cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ha mía trên địa bàn xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã bị “bà hỏa” ghé thăm. Nông dân tại khu vực này như ngồi trên đống lửa bởi đứng trước nguy cơ tay trắng trong vụ mía năm nay.

Xã Ia Piar là một trong những địa phương phát triển mạnh diện tích cây mía. Với thu nhập ổn định, mía được xem như cây trồng chủ lực để bà con nơi đây thoát nghèo, vươn lên có đời sống khấm khá. Đặc biệt với người dân tộc thiểu số ở địa phương, không ít hộ gia đình đã cải thiện thu nhập nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mì cho hiệu quả thấp để trồng mía. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp cũng như sự cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng kỹ thuật của người nông dân vào trong sản xuất nên cây mía tại xã Ia Piar phát triển tốt, mang đến năng suất cao. Theo thống kê, toàn xã Ia Piar hiện có hơn 300 ha mía, hầu hết đều liên kết bao tiêu sản phẩm với Nhà máy đường Ayun Pa.

Tuy nhiên, mùa vụ năm nay, khi phần lớn diện tích mía chưa được thu hoạch, nông dân xã Ia Piar đã điêu đứng trước tình trạng mía cháy trong thời gian ngắn. Chỉ từ ngày 10 đến 30-1, trên địa bàn xã đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy với diện tích hơn 35 ha mía. Đây cũng là thời điểm khí hậu trong vùng nắng nóng, hanh khô, gió mạnh nên dễ bắt lửa và lây lan nhanh. Đáng nói, các vụ cháy đều xảy ra ở địa bàn xa khu dân cư nên việc phát hiện, chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Hàng chục diện tích mía của nông dân bị cháy trong một thời gian ngắn. Ảnh: Văn Ngọc

Hàng chục diện tích mía của nông dân bị cháy trong một thời gian ngắn. Ảnh: Văn Ngọc

Ngày 30-1, ông Ksor Bon (thôn Plei Chrung, xã Ia Piar) ra thăm rẫy mía cách nhà gần 15 km mới bàng hoàng phát hiện hơn 1 ha mía của gia đình đã cháy đen kịt. Ông thất thần nhìn rẫy mía hoang tàn nhọ than. Nhiều rẫy mía của các gia đình lân cận cũng bị cháy trải dài tới chân núi. Hoàn cảnh khó khăn, thu nhập của gia đình ông Bon hầu như chỉ trông vào rẫy mía này. Cả năm ông chăm chút cho vườn mía tươi tốt, cây đều tăm tắp chờ ngày thu hoạch.

Ông Bon buồn bã: “Mía nhà tôi chưa kịp thu hoạch cho nhà máy thì đã cháy mất rồi. Bao nhiêu vốn liếng gia đình đều đổ vào đây, hy vọng sẽ có thêm thu nhập để đầu tư mở rộng diện tích trong mùa vụ tới. Nhưng giờ cháy vậy rồi có lẽ chẳng được bao nhiêu vì mía cháy khiến chữ đường thấp, chỉ bán được bằng 50% so với bình thường. Như vậy thì không đủ tiền đầu tư phân bón và công sức lâu nay thành công cốc”.

Mía cháy nằm la liệt trên cánh đồng xã Ia Piar. Ảnh: Văn Ngọc

Mía cháy nằm la liệt trên cánh đồng xã Ia Piar. Ảnh: Văn Ngọc

Theo ông Nay Thuyn-trưởng thôn Plei Chrung, trong ngày 30-1, ở thôn Plei Chrung có 8 hộ gia đình đều là người dân tộc thiểu số có diện tích mía bị cháy với khoảng 30 ha. Ông Thuyn cho hay: “Hôm đó tôi đang đi họp ở xã thì có người gọi điện nói mía bị cháy, tôi vội vàng chạy đến nơi thì lửa đã cháy gần hết rẫy nhà mình rồi nên chỉ cùng mọi người ngăn cho ngọn lửa không lan sang các khu vực kế bên thôi. Nhà tôi bị cháy gần 2 ha, giờ chỉ mong nhà máy thu mua kịp thời để giữ được chữ đường, giảm thiệt hại cho nông dân chúng tôi”.

Trong khi đó, gia đình ông Phạm Văn Bình (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) cũng bị cháy 2 ha mía vào ngày Mùng 6 Tết. Gia đình ông đã trồng mía nhiều năm với diện tích 7 ha tại xã Ia Piar, năm nay giá mía ổn định nên ông kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu. Dẫu vậy, khi ra kiểm tra vườn để chuẩn bị đến ngày chặt mía thì ông phát hiện rẫy mía đang bốc cháy. Ông hô hào, vận động bà con đến giúp đỡ, làm đường ranh cản lửa nên đã cứu được 5 ha mía còn lại. Nhìn ruộng mía đen nhẻm khét mùi mía cháy, ông Bình tỏ ra âu lo trước thiệt hại ước tính hàng chục triệu đồng.

“Năm nay mía tốt nên năng suất khá cao, dự đoán khoảng hơn 80 tấn/ha. Với 7 ha mía, tôi cũng thu hàng trăm triệu vừa có tiền trả nợ cửa hàng vật tư nông nghiệp, vừa để trang trải cuộc sống và có vốn đầu tư vụ mới. Nhưng 2 ha bị cháy như vậy khiến gia đình thiệt hại khoảng 50 triệu đồng, như vậy lời lãi chẳng còn là bao, vụ này coi như làm không công”-ông Bình rầu rĩ.

Các diện tích mía cháy được ưu tiên thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Văn Ngọc

Các diện tích mía cháy được ưu tiên thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết: “Chúng tôi đã cho cán bộ nắm tình hình, thống kê để có hướng hỗ trợ bà con. Hiện trong toàn hiện chỉ có xã Ia Piar xuất hiện tình trạng mía cháy. Trước mắt, đơn vị đã liên hệ với Nhà máy đường Ayun Pa khẩn trương cấp lệnh thu hoạch mía của các hộ dân có mía cháy để giảm thiệt hại cho bà con. Ngay từ đầu mùa cũng như các mùa vụ trước, đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo bà con cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng chống cháy nổ, tự bảo vệ tài sản cho mình, triển khai các biện pháp tránh cháy lan trên diện rộng”.

Nông dân điêu đứng trước tình trạng mía cháy. Thực hiện: Hà Phương

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.