(GLO)- Thời điểm này, nông dân ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai bước vào vụ thu hoạch ớt. Mặc dù năng suất ớt đạt cao nhưng giá giảm sâu khiến người trồng lỗ nặng.
Được mùa, mất giá
Vụ Đông Xuân 2020-2021, bà con nông dân các huyện, thị xã phía Đông tỉnh trồng gần 1.225 ha ớt. Trong đó, huyện Đak Pơ có 616,2 ha, Kông Chro 253,1 ha, Kbang trên 100 ha và thị xã An Khê 255,6 ha.
Chị Trần Thị Hường (xã An Thành, thị xã An Khê) thu hoạch ớt. Ảnh: Ngọc Minh |
Chị Trần Thị Hường (thôn 5, xã An Thành, thị xã An Khê) cho hay: “Gia đình tôi trồng gần 4 sào ớt. Từ đầu năm đến nay, cây ớt sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt hơn 1 tấn/sào, cao gần gấp đôi so với năm trước. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá ớt giảm còn 6-8 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, mỗi sào ớt đầu tư hết khoảng 12 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay, tôi lỗ 5-6 triệu đồng/sào”.
Bà Huỳnh Thị Xuân (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cũng chung cảnh ngộ. Để giảm bớt chi phí, bà Xuân không thuê người mà tự thu hái. Bà chia sẻ: “Giá ớt thấp mà công thu hoạch quá cao (khoảng 4 ngàn đồng/kg) nên gia đình tôi phải tự thu hái, vớt vát được đồng nào hay đồng đó”.
Tại huyện Kông Chro, nhiều người như ngồi trên đống lửa khi giá ớt giảm mạnh. Ông Đinh Văn Bảo (làng Chiêu Liêu, xã An Trung) kể: Tầm này năm ngoái, giá ớt dao động từ 50 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên hơn 100 ngàn đồng/kg. Còn năm nay, giá rớt thê thảm, trong khi chi phí đầu tư rất cao. “Vụ ớt năm nay, tôi trồng hơn 1 ha. Giá ớt quá thấp nên tôi lỗ hơn 100 triệu đồng”-ông Bảo buồn bã nói.
Nông dân thu hoạch ớt. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh |
Phơi ớt khô chờ tiêu thụ
Vụ này, gia đình bà Cao Thị Loan (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) trồng 5 sào ớt. Khi giá ớt quá thấp, bà thu hái về phơi khô để bán dần. Bà chia sẻ: “Tôi thuê người hái, nhặt cuống rồi đem phơi khô. Hiện nay, giá ớt khô dao động từ 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/kg. Gia đình tôi đã bán được 1 tạ, thu về 4 triệu đồng. Hiện còn 3 tạ ớt, đang gọi thương lái để bán”.
Từ đầu vụ tới nay, chị Nguyễn Thị Minh Trang (thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) đã thu mua trên 150 tấn ớt tươi của bà con nông dân trên địa bàn. Sau khi phơi, chị thu được 40 tấn ớt khô. Chị cho biết: “Bình thường, tôi bán ớt tươi ở các tỉnh miền Trung và xuất đi Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa không lưu thông được, tôi phơi khô chờ bán cho các công ty chế biến ớt bột. Tôi đã xuất được 15 tấn ớt khô sang thị trường Lào”.
Người dân thị xã An Khê tập trung phơi ớt. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn chị Mai Xuân Điệp (tổ 2, phường An Tân, thị xã An Khê) thì tâm sự: “Hơn 10 năm trong nghề thu mua ớt, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh bà con ùn ùn chở ớt tới bán. Là bạn hàng nhiều năm nên tôi dành hết vốn liếng và vay thêm người thân 130 triệu đồng để thu mua ớt cho bà con trên địa bàn thị xã và huyện Đak Pơ”.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: 2 năm gần đây, giá ớt dao động từ 40 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng/kg. Thấy lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân mở rộng diện tích không theo quy hoạch, khuyến cáo của địa phương. Vụ Đông Xuân 2020-2021, diện tích ớt trên địa bàn huyện tăng hơn 100 ha so với năm trước. Ớt chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi dịch bệnh xảy ra, việc tiêu thụ ớt tại thị trường trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng.
“Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích ớt mà đa dạng, luân canh nhiều loại cây. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các đại lý, người dân liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ thông tin.
NGỌC MINH