Nông dân không muốn nhận giống hỗ trợ: Vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hỗ trợ nông dân thiệt hại do hạn hán là việc cần thiết, tuy nhiên, trước phương án hỗ trợ một số loại giống cây trồng mới đây nhiều bà con tại các xã: An Trung, Chơ Long, Yang Trung và Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) không đồng tình, bởi có nhiều điều chưa hợp lý.

Cây thiệt hại một đằng, giống hỗ trợ một nẻo

Canh tác 2,5 ha mía từ nhiều năm nay nhưng trước điều kiện thời tiết nắng hạn gay gắt, cũng như nhiều hộ trồng mía khác ở xã Đak Pơ Pho, ruộng mía nhà chị Đoàn Thị Nhung (thôn 2) bị thiệt hại không ít. “Mía chết khô rất nhiều, số còn lại héo úa. Cán bộ huyện, xã cũng đã tới kiểm tra tình hình thực tế và lên phương án hỗ trợ nhưng chúng tôi thấy không hợp lý cho lắm”-chị Nhung cho biết.

 

  Người dân Kông Chro gieo trồng vụ mùa sau khi trên địa bàn xuất hiện nhiều cơn mưa lớn. Ảnh: H.L
Người dân Kông Chro gieo trồng vụ mùa sau khi trên địa bàn xuất hiện nhiều cơn mưa lớn. Ảnh: H.L

Lý giải về sự bất hợp lý này, chị Nhung cho biết, vườn rẫy nhà chị trồng mía và cây mía chịu thiệt hại nhưng xã thông báo là sẽ hỗ trợ giống bắp lai. “Mía, mì chết khô rất nhiều, nông dân chúng tôi rất khó khăn nhưng không ai đi trồng dặm bắp lai vào ruộng mía cả nên nếu nhận giống về rồi mà chẳng trồng thì nó phí”-chị Nhung nêu quan điểm.

Tương tự, hộ chị Phạm Thị Hoài (cùng ở thôn 2) cũng canh tác 3,7 ha gồm mía và mì. Hạn hán kéo dài nên mía và mì non bị chết rất nhiều. Cán bộ đã trực tiếp đến kiểm tra và xác nhận thiệt hại. Chị cũng được thông báo được nhận hỗ trợ thiệt hại bằng giống bắp lai. “Ruộng mía nhà tôi bị chết khoảng 50% do thiếu nước tưới. Địa phương hỗ trợ thiệt hại, bà con chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, tôi thấy áp đặt hỗ trợ giống bắp là chưa hợp lý. Giả sử chúng tôi nhận giống bắp lai về thì sẽ gieo trồng kiểu gì trên các phần diện tích cần dặm lại”-chị Hoài nói.

Hơn nữa, theo bà con thì chất lượng giống bắp lai được cấp trong các vụ mùa trước chất lượng rất kém. “Từ trước tới nay, chúng tôi được nhận năm bảy lần giống hỗ trợ. Có đợt giống chất lượng rất kém. Vụ trước, giống bắp lai đem gieo nảy mầm rất ít. May là tôi thận trọng chỉ gieo một ít, sau tự bỏ tiền mua giống mới về gieo diện tích còn lại. Có nhà gieo hết loạt, song bắp chẳng lên, đành phải thuê cày cuốc, làm đất để gieo trồng lại, tốn kém tiền của, công sức và thời gian”-chị Hoài chia sẻ.  

Cần phương án hỗ trợ linh hoạt

Theo thống kê, trong số hộ bị thiệt hại do hạn hán trong vụ Đông Xuân vừa qua tại huyện Kông Chro, có 222 hộ tại 4 xã (An Trung, Chơ Long, Yang Trung và Đak Pơ Pho) không đăng ký nhận giống hỗ trợ. P.V tìm hiểu và được người dân chia sẻ rằng, không phải họ “chê” giống hỗ trợ mà là giống bắp lai cấp cho bà con không sát với nhu cầu thực tế. Phương án các hộ dân đề xuất là xem xét hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lựa chọn giống cây trồng về sản xuất. “Nếu cấp giống mà không sử dụng là lãng phí, trong khi khó khăn của nông dân không được giải quyết. Nếu hỗ trợ bằng tiền chúng tôi sẽ tự lựa chọn cây giống phù hợp nhu cầu sản xuất, như vậy hiệu quả hỗ trợ sẽ cao hơn”-chị Nhung khẳng định.

Ngày 26-4 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro đã có đợt kiểm tra và làm việc tại 4 xã: An Trung, Yang Trung, Chơ Long, Đak Pơ Pho. Tại các buổi họp, nhiều người khẳng định không có nhu cầu hỗ trợ các loại giống theo Quyết định số 243/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây tại xã Đak Pơ Pho, cử tri tiếp tục đề cập đến sự bất cập trong vấn đề cấp giống hỗ trợ. Ông Trần Cao Nguyên-Bí thư Huyện ủy Kông Chro cho rằng: Đây là một trong những điểm bất hợp lý trong chính sách hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại. “Đối với các loại cây trồng ngắn ngày, tỉnh không thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt mà là hỗ trợ bằng giống, trong đó quy định cụ thể là giống cây trồng gì, loại nào và địa phương đã thực hiện theo đúng trình tự quy định. Địa phương đã đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh để giúp người dân giảm bớt khó khăn trong tái sản xuất”-ông Nguyên nhấn mạnh.

 Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.