Nông dân Chư Á chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, nông dân xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu để tăng thu nhập.

Gia đình anh Klil (làng Wâu) có gần 1 ha đất ruộng. Trước đây, anh chỉ canh tác lúa vụ mùa, còn vụ Đông Xuân thì bỏ không do thiếu nước. Nguồn thu từ gần 1 ha lúa mỗi năm không đủ để trang trải cho các con ăn học nên vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.

Qua thời gian đi làm thuê ở các vườn rau của người Kinh, anh Klil học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, anh quyết định chuyển sang trồng đậu cô ve, dưa leo, khổ qua, bắp sú... Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh dần khá lên.

“Ban đầu, tôi chuyển khoảng 1,4 sào sang trồng dưa leo, thu hoạch bán được 70 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục chuyển thêm 7 sào đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu. Hiện nay, gia đình thu nhập 200-300 triệu đồng/năm”-anh Klil chia sẻ.

Anh Klil (làng Wâu) thu hoạch đậu cô ve. Ảnh: Lê Nam

Anh Klil (làng Wâu) thu hoạch đậu cô ve. Ảnh: Lê Nam

Thấy mô hình của gia đình Klil mang lại hiệu quả, nhiều hộ dân ở làng Wâu đã học hỏi, làm theo. Đến nay, người dân đã chuyển đổi hơn 20 ha lúa sang trồng rau màu. Nhiều hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Anh Ưng vui vẻ nói: “Nhà tôi có 6 sào ruộng lúa nhưng mỗi năm chỉ thu được hơn 30 bao. Thấy anh Klil làm được nên tôi chuyển đổi một nửa diện tích đất sang trồng rau, nửa còn lại vẫn trồng lúa để lấy gạo ăn. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình thu được hơn 100 triệu đồng”.

Từ năm 2019 đến nay, UBND xã Chư Á phối hợp với Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku triển khai các mô hình khuyến nông giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Cụ thể, xã hỗ trợ 22.490 cây cà phê giống cho 69 hộ dân với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng); mô hình tưới tiết kiệm nước với quy mô 4,5 ha cho 45 hộ dân trồng rau xanh tại 8 làng với tổng kinh phí hơn 320,2 triệu đồng (người dân đóng góp 80 triệu đồng mua máy bơm và công lắp đặt đường ống); hỗ trợ 53 cây sầu riêng giống Monthong cho 2 hộ dân; mô hình nuôi heo và nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản đã hỗ trợ 24 con heo, 4 bò đực, 4 bò cái cho 20 hộ dân làng Chuét Ngol; mô hình chuyển đổi giống lúa có năng suất, chất lượng cao với quy mô 10 ha cho 63 hộ dân tại làng Ia Rút, Ia Den, Mơ Nú; mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo với quy mô 19 con cho 19 hộ dân; mô hình phát triển cây mắc ca, cây dổi với quy mô 10,6 ha mắc ca và 4,2 ha dổi cho 17 hộ dân.

Người dân làng Wâu đưa sản phẩm khổ qua đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Nam
Người dân làng Wâu đưa sản phẩm khổ qua đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Nam

Là một trong những hộ được hỗ trợ tái canh cà phê, ông Lê Văn Hoàng (thôn 2) cho hay: Gia đình có 1,2 ha cà phê trồng từ năm 1995 đã già cỗi nên năng suất rất thấp. Năm 2019, ông được hỗ trợ 400 cây cà phê giống TRS1 để tái canh 4 sào. “Cây cà phê giống mới phát triển tốt. Năm 2022, tôi thu hoạch bói được khoảng 8 tấn cà phê tươi. Năm nay, cà phê bắt đầu thời kỳ kinh doanh, dự kiến năng suất bình quân 25-30 kg/cây. Tôi sẽ tiếp tục phá bỏ diện tích còn lại để tái canh và sử dụng giống cà phê xanh lùn”-ông Hoàng chia sẻ.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thu Hương-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Qua các mô hình khuyến nông, toàn xã đã chuyển đổi 65 ha lúa nước kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích. Nhiều mô hình cho thu nhập 100-200 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa nước.

“Thời gian tới, UBND xã tiếp tục khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương, xác định rõ những khu vực cần chuyển đổi và định hướng người dân chuyển đổi những diện tích khô hạn trong vụ Đông Xuân sang trồng đậu phộng và rau xanh. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban của thành phố tìm kiếm đầu ra cho nông sản để người dân an tâm đầu tư và tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả”-Chủ tịch UBND xã Chư Á thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.