Chiều 15-3, PGS.TS.BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị này vừa thực hiện thành công gắp dị vật đường thở rất khó thực hiện bởi trong quá trình thực hiện nội soi bệnh nhân đã ngưng thở 4 lần, tụt huyết áp.
|
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
Bệnh nhân là bà P.T.O. (55 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP. HCM) được chuyển đến từ một bệnh viện khác trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, đặt nội khí quản với chẩn đoán ban đầu là hóc dị vật đường thở.
Theo lời kể của người nhà, ngày 13-3, bệnh nhân đang ăn mãng cầu thì bị sặc và trở nên tím tái. Qua nội soi, các bác sĩ xác định một hạt mãng cầu nằm trong phổi của bệnh nhân.
Theo PGS.TS.BS Trần Minh Trường, hạt mãng cầu là dị vật rất khó để gắp ra nhất vì có cấu trúc tròn và rất trơn. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân này, một bên phổi đã xẹp hoàn toàn do mắc bệnh lao phổi từ 20 năm trước. Do các lần cấp cứu trước đó, bệnh nhân đã được nội soi gắp dị vật 2 lần nhưng không thành công khiến bệnh nhân suy hô hấp, phù phổi.
“Không thể phẫu thuật phổi để lấy dị vật bởi sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nên chúng tôi quyết định tiếp tục nội soi một lần nữa và người trực tiếp thực hiện ca nội soi này là bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh”, bác sĩ Trần Minh Trường thông tin.
Trong quá trình nội soi (khoảng 30 phút), bệnh nhân đã có 4 lần ngừng thở, tụt huyết áp khiến các bác sĩ phải dừng phẫu thuật để hồi sức. Tuy nhiên, rất may mắn, dị vật đã được lấy ra, bệnh nhân có bị suy hô hấp nhưng sau khi được chăm sóc đặc biệt, hiện sức khỏe đã tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi thêm.
Theo PGS.TS.BS Trần Minh Trường, mọi người không nên vừa ăn uống vừa nói chuyện hay đùa giỡn, như vậy sẽ dễ gây ra tình trạng hóc dị vật. “Thực tế, nếu cứ “lơ là” cho qua thì sẽ gây nên bệnh viêm phổi mãn tính kéo dài do dị vật theo đường thở vào đến phổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của”, PGS.TS.BS Trần Minh Trường khuyến cáo. |
Kim Huyền (sggp)