Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ít nhất là 95% kế hoạch vốn. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. 

Đặc biệt là tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Tiến độ giải ngân quý I đạt thấp

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 25-12-2023 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2024, do Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nguyên, Công ty cổ phần Chiến Thắng, Công ty cổ phần Thương mại Tín Phong, Công ty TNHH Thiết bị phòng cháy chữa cháy 4-10 Gia Lai, Công ty TNHH Hoàng Phúc và Công ty TNHH một thành viên Thiết bị và công nghệ GM Việt Nam thực hiện.

Ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết: Hiện công trình trụ sở HĐND-UBND thành phố đang thi công hạng mục nhà làm việc 9 tầng với các hạng mục gia công lắp dựng ván khuôn, cốt thép, đổ bê tông dầm sàn tầng 2. Khối lượng công trình hiện đạt khoảng 25%; giá trị giải ngân đạt gần 19,5 tỷ đồng, trong đó, giải ngân năm 2023 gần 18,8 tỷ đồng và năm 2024 là 683 triệu đồng. Để đảm bảo tiến độ dự án, các nhà thầu triển khai làm 3 ca và trung bình mỗi ngày có 70-90 công nhân làm việc.

Các nhà thầu triển khai thi công 3 ca/ngày để Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: Hà Duy

Các nhà thầu triển khai thi công 3 ca/ngày để Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: Hà Duy

Cũng là dự án trọng điểm của TP. Pleiku, Dự án đường Nguyễn Văn Linh có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm (2022-2024). Dự án chia làm 2 gói thầu: gói thầu làm cầu có tổng mức đầu tư 137,416 tỷ đồng, đang triển khai hạng mục gia công thép bản mặt cầu mố A1-trụ P1, trụ P2-mố A2, đắp đất mố cầu, gia công hệ đà giáo chất tải nhịp vòm, khối lượng đạt 61%; gói thầu làm đường có tổng mức đầu tư 104,709 tỷ đồng, hiện các nhà thầu đang thi công đắp đất K95 đoạn từ Km 0+650 đến Km 0+800 m sát cống hộp 3 m, khối lượng đạt khoảng 5,27%.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku, tổng kế hoạch vốn đơn vị được giao năm 2024 là hơn 611,8 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện đến cuối tháng 3-2024 là 65,13 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch; giá trị giải ngân hơn 28 tỷ đồng, đạt 5,4% kế hoạch. “Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 như thiếu đất đắp, chưa có nguồn vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất... nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để đảm bảo kế hoạch đề ra. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành 100% khối lượng công việc vào cuối năm nay. Gia Lai đang chuẩn bị bước vào mùa mưa nên chúng tôi đang cố gắng hết sức đẩy nhanh tiến độ, nhiều dự án phải tăng ca vào ban đêm”-ông Nghĩa thông tin.

Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) đang triển khai gói thầu làm cầu. Ảnh: Hà Duy

Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) đang triển khai gói thầu làm cầu. Ảnh: Hà Duy

Cũng như nhiều địa phương khác, hàng loạt công trình xây dựng cơ bản khởi công mới năm 2024 trên địa bàn huyện Chư Păh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Đặng Thế Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh-thông tin: Năm 2024, huyện được phân bổ hơn 184,8 tỷ đồng để thực hiện 24 công trình, dự án khởi công xây dựng mới và 7 công trình, dự án chuyển tiếp. Đến ngày 26-3, tỷ lệ giải ngân mới đạt 7,1% kế hoạch vốn. “Các công trình vốn chuyển tiếp, chúng tôi chỉ đạo tập trung hết nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Còn các công trình khởi công mới, chúng tôi cũng cố gắng triển khai các hoạt động nhằm sớm phê duyệt để triển khai thi công. Sau khi hoàn thành các thủ tục, huyện sẽ tranh thủ đẩy nhanh tiến độ khi thời tiết còn thuận lợi”-ông Huy cho hay.

Sau thời gian hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư công, hầu hết các địa phương trong tỉnh đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm đạt khối lượng nhiều nhất trước khi bước vào mùa mưa. Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 26-3, các địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao so với mức trung bình toàn tỉnh như: Mang Yang 12,2%, Đak Đoa 11,6%, Kbang 10,5%, Đức Cơ 8,6%...

Tuy vậy, đến hết quý I-2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Năm 2024, tổng kế hoạch vốn toàn tỉnh là 3.833,84 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-3, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 274 tỷ đồng, đạt 7,02% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh là 2.029 tỷ đồng, đã giải ngân được 147,4 tỷ đồng, đạt 7,26%; vốn ngân sách trung ương là 1.600,4 tỷ đồng, đã giải ngân 112 tỷ đồng, đạt 7%; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân mới đạt 3,67%. Riêng vốn đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2023 sang năm 2024 là 269,425 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương gần 4,8 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương gần 265 tỷ đồng), đến cuối tháng 3 cũng mới chỉ giải ngân được 14,33 tỷ đồng, đạt 5,32% kế hoạch.

Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, tổng hợp đến ngày 26-3, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: thị xã Ayun Pa 1%, huyện Ia Pa 1,3%, Ia Grai 2,5%, Đak Pơ 4,3%, Phú Thiện 4,6%... Các chủ đầu tư là các sở, ngành chưa có tỷ lệ giải ngân như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Cao đẳng Gia Lai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội...

Theo lý giải của các chủ đầu tư, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hàng năm; một số dự án thiếu đất đắp, nhất là các dự án giao thông, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên cạnh đó là một số khó khăn mang tính cố hữu như: giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục đầu tư chưa kịp thời, năng lực nhà thầu còn hạn chế… cũng ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nỗ lực đạt mục tiêu đề ra

Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% tổng kế hoạch vốn, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Sở tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục kéo dài vốn năm 2023 sang năm 2024 theo quy định của Luật Đầu tư công và đôn đốc triển khai các thủ tục đầu tư đối với các dự án chưa giao vốn năm 2024; đôn đốc tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024”.

Về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, các quy định về quản lý vốn đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cơ quan thường trực các tổ công tác của UBND tỉnh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2024 tham mưu cho tổ trưởng xây dựng kế hoạch đi kiểm tra thực tế tại các dự án, công trình, các chủ đầu tư gặp khó khăn để kịp thời xử lý; định kỳ báo cáo UBND tỉnh tại các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản.

Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ký ban hành Quyết định số 190/QĐ-UBND về việc thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2024; phân công 4 Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ công tác. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân công các cơ quan thường trực của các tổ công tác. Cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực Tổ công tác số 1; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm thường trực Tổ công tác số 2; Sở Xây dựng làm thường trực Tổ công tác số 3; Sở Nông nghiệp và PTNT làm thường trực Tổ công tác số 4. Cơ quan thường trực các tổ công tác có trách nhiệm giúp tổ trưởng xây dựng báo cáo chung của tổ công tác tại buổi kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất, kiến nghị của tổ công tác sau khi đã thực hiện kiểm tra.

Các tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra tại một số sở, ban, ngành, địa phương, xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở, thẩm quyền giải quyết để trực tiếp chỉ đạo giải quyết hoặc tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, các tổ công tác cũng có nhiệm vụ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công và thu ngân sách nhà nước tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Nói về nhiệm vụ của các tổ công tác, tại hội nghị sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: “Các cơ quan thường trực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các sở, ngành, địa phương liên quan đến chương trình mình phụ trách, kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc; chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách từng chương trình tổ chức họp để xử lý các vướng mắc, các vấn đề vượt thẩm quyền. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ hết các nguồn vốn theo đúng quy định pháp luật”.

Có thể bạn quan tâm

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.